Xuất bản thông tin

null Ngành Nông nghiệp Tháp Mười phát triển sau 40 năm thành lập huyện

Trang chủ Tin tức

Ngành Nông nghiệp Tháp Mười phát triển sau 40 năm thành lập huyện

Trong 40 năm xây dựng và phát triển huyện Tháp Mười, từ năm 1981 đến nay, Đảng Bộ, Chính quyền huyện Tháp Mười luôn quan tâm đến đổi mới và phát triển nông nghiệp. Tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, khai hoang, phục hoá mở rộng diện tích sản xuất, thực hiện nhiều chính sách cải tạo nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân và đưa ngành nông nghiệp Tháp Mười ngày càng phát triển.

Khi mới thành lập huyện, kinh tế của huyện ở mức thấp, đời sống Nhân dân vô cùng khó khăn, có khoảng 83% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện bị nhiễm phèn, thường xuyên bị ngập chìm trong mùa lũ, sản xuất lúa chủ yếu mùa nổi, nông dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm và phương thức truyền thống, năng suất thấp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn rất ít. Từ thực trạng đó, huyện Tháp Mười thực hiện chủ trương khai thác tiềm năng lao động, đất đai, tập trung phát triển nông nghiệp, chủ yếu là cây lúa. Nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh khai hoang mở rộng diện tích kết hợp với thâm canh, tập trung toàn lực làm thuỷ lợi, khai thông dòng chảy, quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi trọng điểm, từng bước chuyên từ làm lúa một vụ sang 2 vụ với diện tích, năng suất, sản lượng ngày càng tăng. Bước vào giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Tháp Mười quan tâm xây dựng hệ thống bờ bao kết hợp với lộ nông thôn đảm bảo vượt lũ, tập trung phát triển trạm bơm điện để điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng, nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, từ việc làm thủ công chuyển sang làm cơ giới hoá từ khâu làm đất đến thu hoạch, mật độ gieo sạ thưa dân từ 200kg/ ha xuống 120 kg/ha, xuống 100 kg/ha và nay nhiều nông dân ứng dụng máy cấy lúa chỉ sử dụng từ 40 đến 60 kg giống/ha. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nông dân giải phóng sức lao động, năng suất, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận cũng được tăng lên. Đến nay sản lượng lúa của Tháp Mười đạt 560.000 tấn/ năm, tăng gấp trên 9 lần so với năm 1981. Nói về sự phát triển của ngành nông nghiệp sau 40 năm thành lập huyện, ông Nguyễn Văn Tựu, một người dân lớn tuổi ở Ấp 4 xã Hưng Thạnh cho biết:

“ Lúc mới thành lập huyện, lúc đó đất đai còn đất phèn, sau này mới múc kênh, xả phèn, chuyển vụ dần dần lên, đến hiện nay là cơ giới hóa hầu hết các khâu, so với hồi xưa chênh lệch một trời, một vực, đời sống nông dân cũng khá hơn rất nhiều. Các khu hoang hóa ngày xưa giờ nhà cao tầng 2- 3 tấm có rất nhiều, giao thông, đường sá, thủy lợi các thứ đều đảm bảo, nông dân rất phấn khởi”

Trong những năm gần đây huyện Tháp Mười đang tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới nên rất quan tâm các giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành, đặc biệt chú trọng các giải pháp sản xuất nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Ông Cao Văn Lâm, một người dân xã Mỹ Quí cho biết về sự đổi mới tư duy sản xuất của nông dân hiện nay:

“ Hồi xưa sản xuất trong đồng ruộng, đa số dân chỉ áp dụng theo tính tự suy nghĩ của người dân thôi còn giờ áp dụng theo tiến bộ khoa học, kỹ thuật bằng cơ giới, làm theo các nhà khoa học hướng dẫn đạt hiệu quả rất cao so với trước đây làm ăn theo truyền thống cũ. Đến nay người dân huyện Tháp Mười nói chung và xã Mỹ Quí nói riêng đã có ý thức rất cao trong vấn đề áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đời sống nông dân hiện nay so với trước đây rất khá giả hơn. Trang thiết bị, trang trí nội thất, nhà đầy đủ các phương tiện so với trước đây”

Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất lúa giảm giá thành trên địa bàn huyện được nông dân áp dụng ngày càng tăng, các mô hình sản xuất lúa thông minh cũng dần được ứng dụng rộng rãi, nông dân đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ cao vào sản xuất như sử dụng phân bón thông minh, áp dụng phương pháp bón phân vùi, cấy lúa bằng máy, phun thuốc bằng máy bay không người lái, tưới nước ngập khô xen kẻ điều khiển bằng cảm biến. Quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng sổ điện tử - truy xuất nguồn gốc. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm nhân công và giảm khí nhà kính, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm. ông Ngô Phước Dũng xã Mỹ Đông nói:

“ Sản xuất nông nghiệp thay đổi từ cái công cụ làm tay đến đưa cơ giới hóa trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, sử dụng công nghệ cao về tưới tiêu, phun xịt thuốc bằng máy bay, giảm được công lao động, bảo vệ môi trường sống của con người, điện thoại Smartphone giờ mình ở bất cứ nơi nào vẫn sử dụng điều khiển nâng hạ trạm bơm điều tiết nước được hết, giảm bớt chi phí và tăng thu nhập cho người dân”

Sau 40 năm thành lập huyện, Tháp Mười đã xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể đã đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, làm bờ bao kết hợp lộ giao thông nông thôn đảm bảo vượt lũ được 162 ô bao với chiều dài 1.144, 955 km đê bao, trên 370 cống và 129 trạm bơm điện đảm bảo điều tiết nước tưới tiêu phục vụ trên 98% diện tích sản xuất nông nghiệp. Thành lập được 19 Hợp tác xã kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hiện đại gắn với liên kết thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và xây dựng huyện Tháp Mười đạt chuẩn Nông thôn mới sớm hơn 1 năm so với kế hoạch ./.

Bt: Nguyễn Thu