Xuất bản thông tin

null Tháp Mười duy trì và nhân rộng mô hình Hội quán

Trang chủ Tin tức

Tháp Mười duy trì và nhân rộng mô hình Hội quán

Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện mô hình “Hội quán”, đến nay huyện Tháp Mười đã có 9/13 xã, thị trấn thành lập được “Hội quán” và đi vào hoạt động, trở thành địa chỉ quen thuộc của các thành viên trong Hội quán, bởi đây là nơi để các thành viên tập hợp sinh hoạt, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ. Thông qua mô hình Hội quán các thành viên đã phát huy tinh thần tự chủ, tự quản, từng bước thay đổi suy nghĩ, tư duy sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con ở nông thôn.

Đa số các thành viên tham gia “Hội quán” trên tinh thần tự nguyện, sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Nội dung sinh hoạt do Ban chủ nhiệm và các thành viên tự đề ra, chủ động bàn bạc, trao đổi với nhau những kinh nghiệm, cách làm mới trong lao động, sản xuất. Tuỳ vào tình hình sản xuất đặc trưng của từng Hội quán mà Ban Chủ nhiệm quan tâm xây dựng nội dung tuyên truyền phù lợi với sản xuất lúa, chăn nuôi hoặc vườn cây ăn trái nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên về sản xuất nông sản sạch, nâng cao tinh thần hợp tác trong sản xuất, thay đổi thói quen, tập quán sản xuất nhỏ, lẻ, hướng tới làm ăn tập thể theo hướng mua chung, bán chung như đối với Hội quán Thuận Phát xã Láng Biển, đa số các thành viên trong hội quán chăn nuôi cá Sặc rằn nên trong sinh hoạt các thành viên cùng nhau trao đổi về kỹ thuật nuôi cá làm sao đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như bàn về thời gian thả nuôi, hợp tác với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về vấn đề này, ông  Lê Văn Dân, thành viên Hội quán Thuận Phát xã Láng Biển cho biết:

“Từ khi thành lập Hội quán, qua hoạt động của Hội quán từ tháng đầu tiên tới giờ thường sinh hoạt rất đều, trong sinh hoạt Hội quán có đưa ra những vấn đề về chăn nuôi, sau khi tới thu hoạch thì phân cá nào lớn bán trước, cá nào nhỏ bán sau, không bị xáo trộn như ngày trước nữa. Trước đây ai muốn bán thì bán tự do nên giá cá lên xuống bất thường, thương lái ép giá còn từ lúc thành lập Hội quán này anh em cũng ổn định đầu ra. Tuy rằng giá cá có tụt nhưng trong Ban chủ nhiệm Hội quán có sắp xếp, điều động ai bán trước, bán sau cái này rất hay và có bàn về khâu kỹ thuật chuẩn bị cho thả cho vụ tới thì rất là hay trong thành lập Hội quán này”

Nếu như trước đây nông dân sản xuất nông nghiệp theo kiểu mạnh ai nấy làm, sản xuất theo phương thức truyền thống, chưa có tinh thần hợp tác, ít trao đổi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm làm ra chưa đồng đều, chưa tạo được mới liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua thì sau khi thành lập được các “Hội quán”, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp các thành viên Hội quán tiếp cận được các thông tin mới về thị trường, được tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật, mạnh dạn trao đổi với nhà khoa học về ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ của Hội quán, các thành viên sẵn sàng chia sẻ với nhau những kinh nghiệm sản xuất, từ đó hội viên đã thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng lợi nhuận cho gia đình. Từ những lợi ích đó mà Hội quán ở các địa phương ngày càng thu hút các thành viên tham gia sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Đồng, thành viên Thuận Tâm Hội quán nói:

“Qua thời gian tôi là thành viên Hội quán, ngồi trò chuyện trao đổi kỹ thuật vườn, ruộng rồi các loại trái cây. Bây giờ trong Hội quán cũng đang nghiên cứu và hướng tới nữa, làm phương hướng mới cho nó có hiệu quả trong Hội quán. Áp dụng kỹ thuật thì năm nay tôi thấy hiệu quả đó, bây giờ giảm phân, thuốc xịt cũng giảm được, nông dân thì nhờ cái một chút. Đợt rồi mới tổng kết Hội quán cuối năm thì thấy mô hình cũng được, anh em bốn mấy người trong Hội quán phải cố gắng duy trì họp hội, chia sẻ anh em trong Hội quán”

Ngoài trao đổi về kỹ thuật sản xuất, các thành viên trong Hội quán còn bàn về các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương mình như ở khu vực Ấp 4 xã Mỹ Đông, nơi có mô hình cánh đồng lúa lý tưởng được nhiều ngành, địa phương và nông dân ở các nơi khác đến tham quan nên các thành viên trong Hội quán đã bàn bạc có thể phát triển thêm dịch vụ du lịch để phục khách tham qua, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh địa phương. Ý tưởng này đã được các cấp các ngành, địa phương ủng hộ và một thành viên Hội quán đã mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng  điểm du lịch sinh thái Hòa Đồng tại cánh đồng này. Ông Nguyễn Văn Đồng, thành viên Thuận Tâm Hội quán cũng là chủ nhân điểm du lịch sinh thái Hòa Đồng xã Mỹ Đông cho biết:

“Qua Hội quán tôi tiến hành làm du lịch này, mở ra thứ nhất vì cánh đồng lý tưởng trong Ấp 4 này, tỉnh, huyện có lên an ủi tôi cứ làm đặng sau này có chỗ hội họp, nghỉ ngơi, đi du lịch tham quan ta ghé nghỉ ngơi, bàn luận cái hay, cái dở, tôi thấy cũng được tôi quyết tâm tôi làm, bỏ ra mười mấy công đặng làm, 3 công mấy trồng sen còn hai công trồng bông súng. Bà con ở gần, xa thấy được ta mới lại tham quan”

Từ hiệu quả của mô hình Hội quán mang lại trong thời gian qua, huyện Tháp Mười đang tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ cho các Hội quán trên địa bàn hoạt động ngày càng phát triển, hướng tới vận động thành lập các Hợp tác xã kiểu mới, hoạt động theo hướng đa dịch vụ từ mô hình Hội quán này, nhằm đáp ứng tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng Nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, phấn đấu xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch đề ra.

Với những kết quả đạt được, mô hình Hội quán ở các địa phương trong huyện Tháp Mười đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy của nông dân, được địa phương chọn làm nòng cốt để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đặc biệt là chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân thực hiện các mô hình sản xuất giảm giá thành đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường./.

BT: NGUYỄN THU