Xuất bản thông tin

null Chuyện về người nông dân Tháp Mười học theo Bác "không sợ khó khăn, chỉ sợ bản thân không chịu lao động sản xuất"

Trang chủ Tin tức

Chuyện về người nông dân Tháp Mười học theo Bác "không sợ khó khăn, chỉ sợ bản thân không chịu lao động sản xuất"

Không sợ khó khăn, chỉ sợ bản thân không chịu lao động, sản xuất. Đó là phương châm mà Ông Đoàn Văn Được Ấp 2 xã Thạnh Lợi huyện Tháp Mười (người dân ở Thạnh Lợi gọi với tên thân thuộc là Cậu Ba) luôn nhắc nhở mình và gia đình để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, từ nông dân tay trắng, “ít chữ”, đến nay Ông đã có cơ ngơi bề thế với hơn 30ha đất ruộng.

Vốn tính “ít nói hay làm” nên hiếm khi Ông chia sẻ những đóng góp của bản thân trong công tác thiện nguyện. Trao đổi khá lâu, Ông mới cởi mở hơn qua từng câu chuyện. Cậu Ba kể: Quê ở Long An, do tản cư nên đến vùng đất Hưng Thạnh, khi đó chưa tách xã Thạnh Lợi và Hưng Thạnh như bây giờ. Sau hòa bình, khi Ông đến vùng đất Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười và lập gia đình, khi đó, vợ chồng hai bàn tay trắng, được chính quyền địa phương cấp đất rừng tràm để phá lâm sản xuất, lúc bấy giờ là đồng bưng cỏ cháy, phèn chua chỉ làm được 01 vụ, thu hoạch cũng chỉ được vài bao lúa, cuộc sống rất khó khăn. Đến năm 1978, nước lũ trắng đồng, không thể làm ruộng được, gia đình Ông đi làm thuê để kiếm sống. Với tinh thần lạc quan, Ông nghĩ, mặc dù nước lũ làm ảnh hưởng đến việc trồng trọt, chăn nuôi nhưng nó cũng mang lại nhiều phù sa và sản vật, vì vậy, mỗi mùa lũ đến không trồng trọt được thì gia đình Ông giăng lưới bắt cá, để trang trãi cuộc sống. Đến năm 1986, gia đình Ông lại tiếp tục làm lúa. Vừa cần cù lao động sản xuất, vừa tiết kiệm, nghiên cứu, tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm. Vì vậy, khi địa phương bắt đầu triển khai ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, Ông mạnh dạn tham gia vào đê bao để khai thoáng kênh mương, hạ phèn, sản xuất từ 01 vụ lúa mùa sang 02 vụ, rồi tăng lên 03 vụ, tuy nhiên, do chưa có máy móc thiết bị, chỉ sản xuất bằng tay nên công lao động nhiều, năng suất còn thấp, vì vậy, thu nhập cũng không ổn định. Với quyết tâm phải khai thác hết tiềm năng, làm giàu trên chính mãnh đất của quê hương, Ông tiếp tục tiên phong đi đầu trong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và làm ăn theo phương thức tập thể, Ông Đoàn Văn Được chia sẻ: phải hạ quyết tâm, phải cần cù chịu khó, học hỏi kinh nghiệm, có gặp khó khăn cũng phải chịu đựng, phải nhẫn nại, nhất là phải làm ăn liên kết, hợp tác.

Nhờ ứng dụng cơ giới hóa, rồi khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giảm được chi phí, công lao động, lợi nhuận cũng tăng, kinh tế gia đình bắt đầu khởi sắc. Là người vươn lên từ những khó khăn cực khổ, hơn ai hết, Ông hiểu được tầm quan trọng của sự quyết tâm, cần cù chịu khó và sự mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chính vì vậy, Ông luôn chia sẻ kinh nghiệm của mình với hội viên nông dân và bà con hàng xóm từ việc sử dụng lúa giống chất lượng, sạ hàng, sạ thưa, sử dụng cơ giới hóa thay cho sức lao động của con người, làm ăn tập thể, liên kết. Là 01 trong 20 người được Ông Đoàn Văn Được hỗ trợ về kinh nghiệm sản xuất, vốn sống, Anh Trần Thanh Lâm cho biết, quê Anh ở Cao Lãnh, về Thạnh Lợi lập gia đình, cuộc sống rất khó khăn, nhờ được cậu Ba hỗ trợ tiền mua tol, cây nên gia đình Anh có được căn nhà, an cư để phát triển kinh tế. Theo Anh Lâm không chỉ hỗ trợ tiền, mà các con của Ông Ba còn đến phụ, Ông Ba rất bình dân, gần gũi, về công việc làm ruộng hay về cuộc sống, chỉ cần hỏi thì Ông luôn hướng dẫn nhiệt tình.

Nhờ học theo tấm gương của Cậu Ba mà Anh Lâm phấn đấu làm, cần cù, chịu khó, hiện tại kinh tế gia đình cũng đã ổn định hơn trước. Khi kinh tế gia đình phát triển, cuộc sống sung túc, nhưng xung quanh mình còn nhiều gia đình khó khăn, Ông lại nghĩ đến việc giúp đỡ mọi người, Ông kể, năm 1998 gia đình Ông đã phát 1.000 giạ lúa cho các hộ khó khăn ở địa phương. Niềm vui khi được nhận quà của các hộ khó khăn là động lực để Ông tiếp tục thực hiện những công việc thiện nguyện sau này. Vốn mà người nông dân miền tây chất phác, ham làm, ít nói nên khi chúng tôi hỏi Ông mong muốn nhận được gì khi phát gạo, bắt cầu, làm đường, xây nhà, Ông chỉ cười, nói: Ông Bà mình nói, lá lành đùm lá rách, khả năng nhiêu mình làm bao nhiêu, bắt cầu betong xe cộ đi lại lưu thông, làm ăn phát triển, làng xóm sạch đẹp, chỉ mong muốn vậy đó.

Đến Thạnh Lợi hôm nay, chắc chắn chúng ta sẽ đi trên những tuyến đường và cây cầu do Ông Đoàn Văn Được đóng góp kinh phí, công sức, ngày lao động để xây dựng, Ông đã bắt đầu công việc thiện nguyện từ năm 1998, khi đó, đường giao thông chỉ là đường đất, Ông đi đắp lộ, bắt cầu khỉ, cất nhà, rồi từ từ đến rãi đá, xây dựng cầu betong. Không chỉ Ông mà tất cả 09 người con của Ông, nhờ noi theo gương của Cha mà đều có kinh tế ổn định và cùng đóng góp cho xã hội, 20 năm làm công tác thiện nguyện, bản thân Ông Đoàn Văn Được đã trực tiếp bắt 10 cây cầu betong, ngoài ra, bình quân mỗi năm Ông còn đóng góp trên 300 triệu đồng để bắt cầu, làm đường, xây nhà, phát quà. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid -19, Ông cũng đã đóng góp trên 30 triệu đồng cho quỹ vắcxin phòng, chống dịch Covid-19. Nói về, người hội viên  nông dân Đoàn Văn Được, Ông Trần Văn Nhiều, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lợi cho biết: Chú Ba được có tinh thần cầu tiến, siêng năng lao động sản xuất, tiết kiệm trong chi tiêu, Chú còn có tấm lòng từ thiện, hàng năm trích lợi nhuận từ sản xuất lúa giúp cho các hộ khó khăn, rồi góp vốn rãi đá chống lầy trên các tuyến đường ở nông thôn, xây dựng cầu, đến nay đã xây dựng hơn 10 cây cầu betong, mặc dù lớn tuổi trong tiến bộ khoa học kỹ thuật thì Chú Ba luôn đi đầu, vận động mọi người tham gia góp công, góp tiền, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chú Ba là gương sáng đáng được tuyên dương.

Mỗi năm, Ông Đoàn Văn Được tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, giúp đỡ cho các hộ khó khăn về kinh nghiệm sản xuất, vật tư, vốn. Làm giàu bằng chính sự ý chí, sự quyết tâm, cần cù, chịu khó của mình, hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn, đóng góp xây dựng quê hương nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình Ông Đoàn Văn Được được công nhận gia đình văn hóa 05 năm liền; bản thân Ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, giai đoạn, 2017- 2019; Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh tặng bằng khen của do đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2019 và bằng khen do đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án “Tổ chức hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 30 tháng 3 hàng năm”.

Bt: Thúy Ly