Xuất bản thông tin

null Phụ nữ Tháp Mười tham gia sản xuất làm kinh tế giỏi

Chi tiết bài viết Tin tức

Phụ nữ Tháp Mười tham gia sản xuất làm kinh tế giỏi

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai trên địa bàn tỉnh, những năm qua, nông dân trên địa bàn huyện Tháp Mười đã mạnh dạn đầu tư và áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi hơn 50 ha đất trồng lúa sang trồng các loại hoa màu khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu phải kể đến đó là mô hình trồng chanh tàu, trái chùm, bông tím mang lại hiệu quả kinh tế cao của hộ chị Lại Thị Bé Bảy, ngụ ấp Mỹ Điền, xã Phú Điền.

 

Trước đây, trên diện tích 0,5 ha đất của gia đình, chị Bảy chủ yếu trồng lúa, nhưng nhận thấy trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập lại thấp, nhất là những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do đó, chị cùng bạn bè đi tham quan và học hỏi một số mô hình trồng cây có hiệu quả ở nhiều nơi trên địa bàn huyện, trong đó có cây chanh. Qua một thời gian học hỏi và tìm hiểu các mô hình đạt hiệu quả kinh tế, nhận thấy cây chanh phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở địa phương, dễ trồng, giá cả lại ổn định, năm 2021, chị quyết định chuyển hẳn từ trồng lúa sang trồng chanh cho đến nay. Chị Bảy chia sẻ, hiện tại, vườn chanh tàu của chị có hơn 600 gốc. Chanh tàu dễ trồng, phát triển nhanh, chỉ cần trồng khoảng 06 tháng là cây bắt đầu cho trái, có thể thu hoạch. Nhưng để cây mang lại giá trị kinh tế lâu dài thì khoảng 01 năm mới cho cây để trái. Mỗi ngày chị thu hoạch đều đặn 100kg chanh cung ứng ra thị trường, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, chị có thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Không chỉ bán chanh thương phẩm, chị còn chiết cành để bán cây giống cho những hộ dân có nhu cầu với giá 10.000 đồng/cây, ngoài ra, chị còn lựa những trái chanh chín làm chanh muối để bán nhằm tăng thêm thu nhập. Hiện, đầu ra chủ yếu cho trái chanh là những người buôn bán nhỏ lẻ trong và ngoài xã. Gia đình chị nhờ đó có thu nhập ổn định, cải thiện.

Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng chanh tàu đem lại nên chị Bảy vận động chị em và bà con trong ấp cùng trồng. Đồng thời, chị nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và hướng dẫn bà con cách trồng như tỉa cành, bón phân để cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Theo chị chanh tàu cho trái quanh năm, năng suất ổn định, chi phí chăm sóc sẽ giảm, lợi nhuận năm sau sẽ cao hơn năm trước.

Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất mà mô hình trồng chanh tàu của gia đình chị Bảy bước đầu đem lại thu nhập ổn định cho gia đình nói riêng góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương nói chung./.

Thúy Liễu (Hội LHPN)