Xuất bản thông tin

null Tháp Mười – Nông dân cần cẩn trọng khi chuyển đổi cây trồng

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười – Nông dân cần cẩn trọng khi chuyển đổi cây trồng

Những năm gần đây, nhiều diện tích vườn tạp và trồng lúa kém hiệu quả ở huyện Tháp Mười được nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái do hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Tuy nhiên, diện tích vườn ngày càng tăng nhanh trong khi đầu ra chỉ phụ thuộc vào thương lái cũng sẽ tăng nguy cơ gặp khó khăn cho đầu ra.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn sầu riêng xen canh mít vừa được trồng gần 04 tháng, ông Nguyễn Thanh Hoàng xã Đốc Binh Kiều cho biết, mặc dù hiện nay giá mít không còn cao như những năm trước nhưng so với trồng lúa vẫn có lợi nhuận cao hơn, nên Ông chọn chuyển từ trồng lúa sang trồng mít. Ngoài ra, Ông còn trồng xen với sầu riêng để sau thời gian thu hoạch mít thì đến thu hoạch sầu riêng. Mặc dù ít nhất là hơn 02 năm nữa mới được thu hoạch mít và khoảng 04 năm mới thu hoạch sầu riêng, đầu ra cũng chỉ phụ thuộc vào thương lái nên không ai biết được giá cả thời điểm đó như thế nào nhưng ông Hoàng vẫn hy vọng giá sẽ ổn định và mang lại thu nhập cao hơn trồng lúa. Tuy nhiên, đầu ra về lâu dài vẫn là vấn đề làm Ông lo lắng.

Ông Võ văn Đẹp ở xã Thanh Mỹ cũng một trong nhiều hộ trong huyện chuyển diện tích đất trồng lúa của gia đình sang trồng sầu riêng, Ông cho biết, rất phân vân không biết trồng cây gì vì thấy cây nào sau một thời gian đều rớt giá chỉ có sầu riêng hiện tại là ổn định, cộng thêm hiện nay nông dân trồng cây này rất nhiều nên mặc dù vẫn chưa nắm vững kỹ thuật trồng sầu riêng nhưng Ông vẫn chọn trồng cây này, sau khi trồng, Ông chỉ mong muốn được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, và vài năm sau giá cả vẫn ổn định..

Với diện tích vườn cây ăn trái gần 3.900ha, Tháp Mười hiện là địa phương có diện tích cây ăn trái nhiều nhất tỉnh. Khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi năm huyện Tháp Mười có từ 150 đến 200 ha cây ăn trái mới được nông dân mở rộng diện tích như sầu riêng, mít,thanh long...,Được biết, vài năm gần đây, thanh long rớt giá, nông dân thua lỗ, nhiều diện tích trồng thanh long trong huyện đã bị nông dân đốn bỏ để chuyển sang các loại cây trồng khác. Đây là hệ lụy của việc chuyển đổi cây trồng theo biến động giá cả của thị trường, trong khi tất cả đầu ra đều phải phụ thuộc vào thương lái.  Để chuyển đổi cây trồng có hiệu quả, nông dân cần tìm hiểu cung cầu thị trường, chọn loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, không nên mở rộng diện tích trồng theo biến động của giá, và có sự liên kết đầu ra ổn định, tránh chạy theo phong trào, nhắm mắt đưa chân để rồi cứ quanh quẩn với câu chuyện được mùa, mất giá.

 Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hồng Thái, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, ngành cũng thường xuyên tuyên truyền vận động nông dân cần cẩn trọng khi chuyền đổi cây trồng và quan trọng nhất là phải sản xuất theo nhu cầu tiêu dùng hiện nay như sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn, có mã vùng mã vạch để đáp ứng nhu cầu liên kết của các công ty, doanh nghiệp.

Được biết, hiện tại, Tháp Mười có 14 vùng trồng đã được cấp 17 mã số với diện tích gần 195ha. Huyện cũng đặt ra mục tiêu, đến cuối năm 2022, Tháp Mười phấn đấu gần 7.000ha lúa, trên 1.000ha cây ăn trái và 56ha sen được cấp mã số vùng trồng.

Bt + Hình: Thúy Ly