Xuất bản thông tin

null Xã Mỹ An tăng cường các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân

Chi tiết bài viết Tin tức

Xã Mỹ An tăng cường các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, xã Mỹ An đã tăng cường các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Trong đó phải kể đến các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp nông dân giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của gia đình.

Đến thăm mô hình kinh tế vườn ứng dụng công nghệ cao của ông Lê Văn Ngợi ở ấp Mỹ Phú C, xã Mỹ An chúng tôi được nhìn thấy vườn cây xanh tốt, trĩu quả đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Với diện tích vườn cây ăn trái 1ha, ông Ngợi đã trồng 2 cây chủ lực là Mít và Sầu riêng. Trong đó có khoảng 5 công Mít và Sầu riêng được trồng xen kẻ, Mít đã cho thu hoạch 3 năm nay, Sầu riêng chưa cho thu hoach, còn 0,5ha Mít trồng sau đang chuẩn bị cho thu hoạch. Trong quá trình sản xuất, ông Ngợi mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng hệ thống tưới tự động để tiết kiệm nước và chi phí công lao động. Phương pháp này đã giúp gia đình tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận và kéo dài tuổi thọ cho cây trồng, chỉ với gần 3 công mít đang cho thu hoạch, mỗi năm ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Ông Lê Văn Ngợi, xã Mỹ An cho biết:

Trồng cây ăn trái phải áp dụng mô hình hữu cơ, trồng thưa, xử lý tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, thu nhập hàng năm thì thấy cao hơn trước đây mình làm lúa. Tôi tới 2 miếng, miếng chưa có thu nhập cũng như phân nửa, miếng này thu hoạch rồi, phân nửa mỗi năm khoảng 150 triệu tiền mít, còn sầu riêng chưa tới làm trái, giúp ích cho nông dân lợi nhuận, cây của mình sống được lâu năm vì mình không sài phân hóa học”

Cũng với tư duy đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, gia đình bà Lê Thị Sậu, ấp Mỹ Thị A xã Mỹ An đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng trồng mít với diện tích 6 công. Trong quá trình canh tác, gia đình bà đã ứng dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng phân hữu cơ, hệ thống tưới tự động và đăng ký thành công mã vùng trồng. Hiện vườn mít đã cho thu hoạch được 1 năm, tùy vào từng thời điểm mà Mít có giá khác nhau từ 5.000 đến 30.000 đồng/ kg. Sau một năm thu hoạch, 6 công mít này đã mang lại thu nhập cao cho gia đình. Bà Lê Thị Sậu, ấp Mỹ Thị A xã Mỹ An nói:

“Tôi cũng lên được 6 công để trồng mít, tôi thấy trồng Mít này nó đạt hơn mình mần ruộng, tôi trồng tôi bán từ tháng 10 năm ngoái tới tháng 10 năm nay, 6 công tôi bán cũng khoảng 200 triệu cho nên tôi thấy phấn khởi hơn mình mần ruộng”

Hiện toàn xã Mỹ An có trên 324ha vườn cây ăn trái. Trong đó, diện tích chuyển từ đất trồng lúa là trên 250ha, diện tích cải tạo vườn tạp là 65,5ha, hàng năm thu nhập từ cây lúa và cây ăn trái chiếm tỷ trọng lớn trong ngành trồng trọt, đã được cấp 03 mã vùng trồng. Để giúp nông dân thực hiện hiệu quả mô hình chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp, phát triển vườn cây ăn trái tại địa phương cũng như tạo điều kiện cho bà con nhà vườn gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, hỗ trợ nhau trong đời sống, đoàn kết hỗ trợ nhau cùng phát triển, UBND xã Mỹ An đã thành lập Bình An Hội quán tại ấp Mỹ Phú B xã Mỹ An, huyện Tháp Mười gồm trên 40 thành viên là nông dân làm vườn ở 5 ấp trên địa bàn xã tham gia sinh hoạt, đây được xem là cái nôi cho sự phát triển kinh tế tập thể, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bên cạnh đó, xã Mỹ An còn quan tâm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động ở địa phương đến làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh đông tác tuyên truyền đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài để tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Đối với nông dân luôn tìm tòi, sáng tạo trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp từ sản phẩm đặc trưng của địa phương như mô hình sản xuất phân lục bình ủ của cơ sở sản xuất kinh doanh phân hữu cơ Lê Khoa tại Ấp Mỹ Thị A, anh Khoa đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm phân hữu cơ từ sản phẩm lục bình, giúp cây trồng phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. ... Thông qua các mô hình có thế thấy, mỗi một mô hình đều có những thế mạnh riêng, cách làm đều không giống nhau nhưng đều có một điểm chung là mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Nhờ vậy mà kinh tế của người dân trong xã ngày càng phát triển, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay đạt trên 64 triệu đồng/ người/ năm. Nói về các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân trong xã trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Phong, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết”

“Hiện nay xã đang tập trung vào mấy nội dung cần phải chú tâm lãnh đạo thực hiện, thứ nhất phát huy hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung vận động, khuyến khích vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã, nhằm đảm bảo chất lượng và phát triển sản xuất theo hướng bền vững, vận động nhân dân tham gia đăng ký mã vùng các sản phẩm chủ lực của địa phương, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động con em lao động theo hợp đồng ở nước ngoài. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, xây dựng các mô hình, các nhóm giúp đỡ làm kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững”

Với những định hướng phát triển và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Mỹ An, tin rằng đời sống của nhân dân xã Mỹ An sẽ ngày một nâng cao, góp phần xây dựng xã Mỹ An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch đề ra./.

BT: Nguyễn Thu