Xuất bản thông tin

null Hội quán Tháp Mười – Làm tốt trách nhiệm thay đổi tư duy sản xuất

Chi tiết bài viết Tin tức

Hội quán Tháp Mười – Làm tốt trách nhiệm thay đổi tư duy sản xuất

Từ câu chuyện thay đổi của thị trường và mong muốn nông dân tập hợp,  cùng sản xuất sạch theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã khởi xướng thành lập mô hình “Hội quán nông dân” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, sau 04 năm ra mắt, mô hình Hội quán ở huyện Tháp Mười đã làm tốt trách nhiệm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân.

Tháp Mười hiện có 13 Hội quán, với 665 thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực, các Hội quán đã phối hợp các ngành mở 09 tập huấn cho 273 thành viên Hội quán về sản xuất sản phẩm sạch, an toàn; quy trình sản xuất để đăng ký mã vùng trồng; thành viên các Hội quán đã liên kết trao đổi, học tập kinh nghiệm và cùng nhau tìm thị trường nông sản cho thành viên với quy mô lớn. Qua đó, thành viên Hội quán đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất như quản lý dịch hại bằng mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh, sử dụng thiết bị bay không người lái khi phun thuốc bảo vệ thực vật, hiệu quả khi tham gia Hội quán dần rõ nét trong nền kinh tế thị trường nên thành viên Hội quán ngày càng tăng. Ông Nguyễn Văn Điền, Thuận Kiều Hội quán xã Đốc Binh Kiều, cho biết, lúc trước, khi mới chuyển qua làm vườn chưa có kinh nghiệm, chủ yếu tự làm, nhưng khi vô Hội quán thì được tiếp cận với thông tin của các nhà khoa học hướng dẫn mình trồng cây gì, con gì, bón phân như thế nào, xịt thuốc như thế nào để nó phù hợp với sản xuất nông nghiệp sạch. Hàng tháng họp những cái gì có lợi được rút kinh nghiệm, được chia sẻ, được trao đổi với nhau để vận dụng trên mảnh vườn của mình.

Là một nhà nông trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, nên khi mới bắt đầu chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít, anh Lê Công Giám cũng gặp nhiều khó khăn trong kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hay đầu ra cho cây mít, tham gia vào Hội quán, Anh được học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, được tập huấn về nhu cầu thị trường và ứng dụng internet vào quá trình sản xuất hay tiêu thụ. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình Anh hiện tại ổn định.

Hội quán chỉ là một tổ chức để tập hợp những người cùng ngành nghề sản xuất cùng nhau trao đổi, liên kết sản xuất, vì vậy, để Hội quán phát huy được hết vai trò thì Ban Chủ nhiệm Hội quán là có vai trò quyết định, phải tâm huyết, nhiệt tình, phải có nhiều sáng tạo, đổi mới trong sinh hoạt, để thành viên Hội quán tự tin dám nghĩ, dám làm, dám tiếp cận với khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay. Ông Đặng Văn Rít, Phó Chủ nhiệm Tâm Quý Hội quán, xã Mỹ Quý, chia sẻ, trước tiên, Ban Chủ nhiệm Hội quán phải đoàn kết, lắng nghe ý kiến lẫn nhau, xây dựng kế hoạch, đề ra phương hướng phải làm gì, cần địa phương giúp đỡ cái gì, phải có phương hướng cụ thể rõ ràng để vận động, giành riêng toàn bộ 2/3 thời gian cuộc họp để bà con có ý kiến trao đổi lẫn nhau những chuyện cần phải làm, rồi cái nào chúng ta nên tránh, tự người ta trao đổi lẫn nhau.

Nổi bật ở các Hội quán là mô hình tổ hùn vốn xoay vòng, mỗi thành viên sẽ góp từ 200 đến 1 triệu đồng/tháng, mô hình này góp phần duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ, vừa giúp các hội viên thể hiện tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, từ nguồn vốn này, giúp các thành viên cất nhà, cải tạo vườn, mua vật tư nông nghiệp và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Tuy nhiên, để các Hội quán duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả, cần có sự quan tâm định hướng, hỗ trợ của Chính quyền địa phương, ông Lê Văn Lý Em, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Láng Biển cho biết, xã phân công cấp ủy, các hội đoàn thể tham gia Hội quán để truyền tải những thông tin về thị trường, kết hợp ngành chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con về kỹ thuật. Để các thành viên Hội quán thấy được sự quan tân của Đảng, của Chính quyền, từ đó, tạo động lực để hoạt động. Đó cũng là giải pháp để hội quán duy trì và phát triển. Khó khăn hiện hay là trình độ của một vài thành viên Hội quán còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Trong thời gian tới, Xã sẽ tăng cường hỗ trợ Hội quán, nếu Hội quán làm tốt vai trò của mình, thì sẽ có lãnh đạo, định hướng từ Hội quán đi lên HTX, để thành viên có điều kiện ký kết với các công ty trong vấn đề liên kết, tiêu thụ sản phẩm của mình và đưa lên sàn giao dịch để cung cấp cho thị trường trong thời gian tới.

Mặc dù, chưa có quy định, quy chế về sinh hoạt của Hội quán nên từng Hội quán có cách sinh hoạt khác nhau, chất lượng sinh hoạt cũng chưa đồng đều. Năm 2018, Huyện ủy Tháp Mười đã có công văn chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động của Hội quán nên nhiều Hội quán mới đã ra đời và chất lượng các Hội quán cũng được nâng cao. Các thành viên Hội quán đã sản xuất theo nhu cầu thị trường, mua chung, bán chung, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm như đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử hay liên kết sản xuất theo nhu cầu của Doanh nghiệp. Ông Đinh Minh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tháp Mười, đánh giá cao hoạt động Hội quán trong thời gian qua, Hội quán là nơi để các nông dân thực hiện chủ để trao đổi trong sản xuất, mô hình liên kết với các doanh nghiệp. Đây là cơ sơ rất là vững chắc để nâng lên thành HTX. Vấn đề tập trung phát triển Hội quán trở thành nhiệm vụ của Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn. Đây là nhiệm vụ khối MTTQ trong vận động, tuyên truyền cho người dân phát triển sản xuất trong thời gian tới.

Qua đánh giá cuối năm 2022, Tháp Mười có 05 Hội quán xếp loại tiêu biểu, 01 Hội quán xếp loại tốt. Thời gian tới, Huyện ủy Tháp Mười tiếp tục lãnh đạo MTTQVN huyện và các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ Hội quán trong nội dung sinh hoạt, ứng dụng, sử dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tìm hiểu cung cầu thị trường, các kênh tiêu thụ sản phẩm, từng bước vững mạnh để nâng lên thành HTX.

Bt+Hình: Thúy Ly