Xuất bản thông tin

null Tháp Mười – Hiệu quả từ các mô hình, phong trào của hội nông dân

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười – Hiệu quả từ các mô hình, phong trào của hội nông dân

Nhiệm kỳ 2018 – 2023, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Tháp Mười đã triển khai nhiều mô hình để giúp nông dân nâng cao ý thức trong tham gia phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Mỗi người dân đều phải có trách nhiệm cùng chung tay bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu mà Hội Nông dân huyện và các xã đặt ra trong công tác tuyên truyền vận động. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen hay ý thức cần có sự tuyên truyền vận động thường xuyên, lâu dài, bền bỉ. Vì vậy, để có thể tuyên truyền, nhắc nhở mọi lúc, mọi nơi về ý thức bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen sản xuất, Hội Nông dân đã xây dựng nhiều mô hình như thu gom rác thải nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hay liên kết tiêu thụ. Qua đó, người dân đã thay đổi rõ nét. Ông Nguyễn Hoàng Em, Chi hội Hội Nông dân Ấp 5, xã Đốc Binh Kiều khoe với chúng tôi, người dân nơi đây không còn vứt rác bừa bãi ra môi trường hay xuống sông, xuống kênh, đối với rác thải sinh hoạt, thì tự phân loại và để tập trung để đơn vị thu gom đến thu gom và vận chuyển đi xử lý theo quy định. Đối với rác thải nông nghiệp, sau khi sử dụng xong, người dân cũng thu gom, bỏ vào thùng chứa rác thải nông nghiệp. Như để minh chứng cho điều mình vừa nói, ông Nguyễn Hoàng Em dẫn chúng tôi ra cánh đồng phía sau nhà để xem, rõ ràng, không còn cảnh thường thấy ngày xưa là vỏ bao bì thuốc BVTV bị bỏ đầy trên đồng ruộng, đồng ruộng bây giờ không còn bao bì thuốc BVTV.

Bên cạnh tuyên truyền vận động người giữ gìn vệ sinh môi trường thì hỗ trợ, giúp đỡ hội viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hội Nông dân đã liên kết với các ngành chuyên môn, tập huấn kiến thức trồng cây ăn trái, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu liên kết của công ty, doanh nghiệp hay sản xuất theo đơn hàng của doanh nghiệp. Qua đó, diện tích sản xuất ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ 4.0 ngày càng tăng, mỗi năm có trên 24 ngàn ha được liên kết tiêu thụ. Ông Huỳnh Thiện Liêm – Phó Giám đốc HTX Trường Phát, xã Trường Xuân, cho biết, khi thành lập HTX, được sự khuyến khích, động viên của địa phương và các ngành, đoàn thể, nhất là Hội Nông dân nên nhiều thành viên HTX chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ và đã ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.

Bên cạnh phối hợp giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn hay hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi, mua bán nhỏ. Hội Nông dân huyện đã vận động nông dân chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả hay vườn tạp sang trồng chuyên canh cây ăn trái mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Dẫn chúng tôi đi xem vườn chanh, mít đã thu hoạch, bà Ngô Thị Nhành ở xã Mỹ An rất phấn khởi vì nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân giúp Bà chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng chanh, khi chanh bắt đầu có thu hoạch, Bà tiếp tục chuyển đổi diện tích còn lại sang trồng mít. Hiện tại, kinh tế gia đình Bà rất thoải mái.

Toàn huyện74 mô hình trồng trọt, 13 mô hình chăn nuôi, 16 mô hình thuỷ sản các mô hình dịch vụ khác có 5.202 hộ tham gia. Ngoài ra, còn nhiều mô hình như mô hình hùn vốn cất nhà, đã giúp hội viên nông dân cất mới và sửa chữa được 206 căn nhà. Từ các nguồn vốn ủy thác trên 4 tỷ 300 triệu đồng, Hội Nông dân các cấp đã hỗ trợ hội viên nông dân chăn nôi, chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế, giúp 297 hội viên thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo của huyện xuống còn 1,39%.

Hội Nông dân huyện cho biết, nhờ thực hiện có hiệu quả các mô hình nên hiện nay, nông dân Tháp Mười cũng đã có những chuyển biến rõ nét về ý thức, kinh tế cũng dần phát triển. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai nhiều mô hình để hội viên nông dân trở thành người nông dân chuyên nghiệp.

Bt: Thúy Ly