Xuất bản thông tin

null Tháp Mười thực hiện các giải pháp phòng bệnh đạo ôn trên lúa

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười thực hiện các giải pháp phòng bệnh đạo ôn trên lúa

Đến nay, huyện Tháp Mười đã xuống giống lúa vụ Thu Đông năm 2020 được trên 36.000ha, lúa chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Trong thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, các đối tượng sâu bệnh, dịch hại đang có xu hướng tăng, gây thiệt hại cho nông dân.

Gia đình anh Nguyễn Văn Bình, ở Ấp 4, xã Tân Kiều có 5ha lúa vụ Thu Đông năm 2020 đã bị nhiễm bệnh đạo ôn, làm cho lúa bị khô lá, thân cây bị thối, mật độ nhiễm bệnh khoảng 70%.  Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trị bệnh nên sau hơn 2 tuần bị bệnh lúa đã phục hồi và phát triển trở lại. Anh Nguyễn Văn Bình, ở Ấp 4, xã Tân Kiều cho biết:

“ Hai mươi mốt, 22 ngày nó chỉ vàng lá sơ thôi, xịt thuốc rồi thấy vàng rụi hết trơn, rồi mới lên nước xịt tiếp tục, thấy nó hơi đỡ một chút. Em nghĩ nó bị đạo ôn, vi khuẩn, thối thân, hiện nay giờ vậy chứ 2 tuần trước muốn sạ lại luôn đó”

Không chỉ gia đình anh Bình mà nhiều bà con có diện tích lúa vụ Thu Đông trong khu vực cũng bị nhiễm bệnh tương tự như hộ anh Nguyễn Văn Rình cùng ngụ Ấp 4 xã Tân Kiều cũng không khỏi lo lắng khi có 1,2ha lúa vụ này bị nhiễm bệnh đạo ôn kết hợp vi khuẩn với mật độ nặng. Theo nông dân ở đây, nguyên nhân dẫn đến bệnh đạo ôn trên lúa vụ Thu Đông năm nay phát triển nhanh là do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện cho vi khuẩn, bệnh đạo ôn phát triển. Anh Nguyễn Văn Rình, xã Tân Kiều cho biết thêm:

“Lúa tôi mới đầu 20 ngày tôi thấy nó vàng vàng tôi mới xịt thêm cử nữa, tự nhiên nó rụi, cỡ 10 bữa sau tôi xịt cử nữa sao thấy nó không lại, đạo ôn mà mùa mưa nữa, chắc tại thời tiết nó bị, rãi vôi với xịt cử nữa, sau này thấy nó lại, chắc còn 50-60%”

Theo các nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất lúa thì nguyên nhân dẫn đến bệnh đạo ôn và bệnh vi khuẩn ở lúa vụ Thu Đông phát triển nhanh, ngoài yếu tố thời tiết còn có những nguyên nhân khác như bón thừa phân đạm, quản lý nước chưa tốt, chính vì vậy một số nông dân có ruộng bị nhiễm nhẹ đã cảnh giác, thường xuyên thăm đồng và điều trị sớm để lúa nhanh phục hồi. Ông Phan Văn Châu, ở Ấp 3 xã Đốc Binh Kiều cho biết:

“2 vụ trước phân cũng rải như vậy nhưng không có mưa nhiều, năm nay thì lại mưa nhiều cho nên lúa nó bị bệnh đạo ôn, mình cũng thường xuyên đi thăm ruộng thấy có chỉ dấu kim là mình xịt rồi chứ không phải phát hiện như cỏ trầu nhổ. Đôi khi mình đi chỗ khác mình thấy là về mình phải sợ, thấy hầu như rụi 70-80%, mình gắng cố gắng chữa trị cho nó ngon hơn”

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tháp Mười, hiện tại huyện Tháp Mười có khoảng 3.200ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, tập trung ở chà lúa từ giai đoạn đẻ nhánh tới làm đòng, bệnh có xu hướng gây hại nặng trên giống nếp và đặc biệt là ở trên ruộng bón thừa phân đạm. Trước tình hình bệnh đạo ôn trên lúa vụ Thu Đông diễn biến phức tạp,Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tháp Mười đã cử cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên thăm đồng, cùng với nông dân theo dõi tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. ông Trần Đình Đăng Khoa, Phó Giám đốc- Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tháp Mười khuyến cáo:

Khi vết bệnh vừa xuất hiện trên đồng ruộng thì chúng ta phải phun xịt ngay, không bón phân đạm, cung cấp đầy đủ nước trên đồng ruộng để hạn chế sự phát triển của bệnh. Chúng ta bón cân đối đạm, lân, kali, tránh bón thừa đạm. Đối với giai đoạn lúa trổ bà con nông dân chúng ta phải phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông trước trổ và sau trổ. Đối với những cái ruộng mà chúng ta đã một lần, nhưng mà bệnh đạo ôn nó không hết thì chúng ta cũng nên kết hợp 2 hoạt chất khác nhau để chúng ta pha, phun xịt thì  thì chúng ta sẽ quản lý được bệnh đạo ôn tốt hơn

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và  xử lý kịp thời khi phát hiện sâu bệnh, tuân thủ nghiêm các biên pháp phòng trị bệnh cho lúa theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do sâu bệnh gây ra./.

BT: NGUYỄN THU