Xuất bản thông tin

null Tháp Mười qua 05 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện về xây dựng nông thôn mới

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười qua 05 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện về xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện Tháp Mười, nhiệm kỳ 2015-2020 về xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, UBND huyện Tháp Mười đã lãnh đạo các ngành, tổ chức chính trị- xã hội và các xã trên địa bàn tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp vật chất, công sức chung tay xây dựng nông thôn mới và mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi. Đời sống vật chất tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn của huyện được đổi mới.

Sau giai đoạn một thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM từ năm 2011 đến 2015, cơ sở hạ tầng nông thôn của huyện Tháp Mười đã có bước thay đổi nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, thu nhập của người dân còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo, nhà tạm bợ cao, trường học, nhà văn hóa xã, ấp chưa phát triển, đời sống của Nhân dân còn khó khăn. Để thực hiện đạt các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn từ 2015 đến 2020, Huyện ủy, UBND huyện Tháp Mười đã có nhiều nỗ lực trong công tác lãnh đạo Nhân dân đoàn kết, chung sức xây dựng NTM. Hằng năm huyện chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn và chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch phấn đấu đạt xã NTM theo lộ trình, tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình XDNTM, từ đó tự nguyện tham gia. Bà Trần Thị Quý, Phó Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết thêm:

“Xác định rằng chỉ có NTM mới làm thay đổi diện mạo được huyện Tháp Mười và nâng cao đời sống của người dân, cho nên hệ thống chính trị từ các cấp, các ngành từ huyện tới xã, thị trấn đều rất quyết tâm. Cũng từ đó đã làm thay đổi được nhận thức của người dân và được người dân ủng hộ rất quyết liệt, điều đó được thể hiện ở sự ủng hộ của người dân trong việc tham gia các tiêu chí về nội lực như là tham gia xây dựng lộ làng nông thôn, cầu đường, rồi thực hiện các tiêu chí cảnh quan môi trường xây dựng nhà cửa, việc làm, thu nhập… Chính vì vậy mà huyện Tháp Mười mới đạt được kết quả như hiện nay”

Để nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện, thời gian qua Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và các xã, thị trấn luôn chú trọng các giải pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vận động Nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm giá thành trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể nhằm mang lại lợi nhuận, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị- xã hội, đa số hội viên và Nhân dân trong huyện đã thấy được lợi ích thiết thực từ việc xây dựng nông thôn mới nên đã thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình, làm hàng rào cổng ngõ, vệ sinh môi trường để tạo vẻ mỹ quan nông thôn, đồng thời tích cực tham gia đóng góp kinh phí, ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở... tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Ông Nguyễn Văn Phụng, người dân xã Mỹ An nói:

“Đảng, Nhà nước phát động nông thôn mới, nói chung ở huyện Tháp Mười dân được hưởng thụ rất nhiều, phấn khởi. NTM gồm có đường lộ, trường, trạm, đèn đuốc, rồi bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ở đây nói chung làm vườn cũng rất nhiều, xã Mỹ An này trồng mít, cây ăn trái, sầu riêng, chanh, nông dân cũng nắm bắt được khoa học kỹ thuật. Từ ngày mà được nông thôn mới nông dân hết sức phấn khởi, hưởng thụ được nhiều công chuyện Nhà nước đưa ra, nào là đường đi, con cháu học hành đi từ trong vùng sâu vùng xa tất cả đều có lộ đá hết, nông dân ở đây lên vườn rất nhiều, thu nhập cũng rất cao”

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương huyện Tháp Mười còn quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Nhờ vậy mà kinh tế của người dân trong huyện ngày càng phát triển, ước cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 55 triệu đồng/ người/ năm. Nói về sự đổi thay của quê hương, ông Huỳnh Văn Xê  xã  Hưng Thạnh cho biết:

“Khi tôi làm ở trên Bình Dương suốt 3- 4 năm, khi mà tôi về địa phương của mình thì tôi thấy hoàn toàn đổi mới, bởi vì có một chương trình của Nhà nước thống nhất đưa cái xã Hưng Thạnh của mình lên nông thôn mới. Tôi thấy thật sự nó rất thay đổi, tại vì trước khi tôi đi nhà cửa của cô bác ở xóm mình còn quá nghèo đi, khó khăn lắm, rồi đường thì đường đất, khi tôi về là thay đổi hoàn toàn một cách rất mới mẻ, đường thì đừng nhựa, rồi cuộc sống hôm nay có bà con có khá hơn trước đây. Có những người ta có vốn nuôi bò, chăn nuôi heo, ao cá nó có thành quả rất tốt, cộng thêm cuộc sống của bà con hôm nay nó có khác hơn xưa là vì có nhiều công ty ở lân cận, chẳng hạn như Hùng Cá, ở trường Xuân có mấy công ty như vậy một số và con người ta giảm đi sự thất nghiệp, cuộc sống người ta sẽ có sự vươn lên”

Từ năm 2016 đến nay, huyện Tháp Mười đã huy động nguồn lực, đầu tư  7.140 tỷ 970 triệu đồng, để xây dựng các công trình nông thôn mới, trong đó vốn vận động các doanh nghiệp, Nhân dân đóng trên 588 tỷ đồng, tạo được sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ nông thôn từng bước được hoàn thiện, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, hệ thống chính trị được kiện toàn, an ninh chính trị được giữ vững. Đến thời điểm này, huyện có 12/12 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã được Trung ương công nhận huyện Nông Thôn mới. Trong thời gian tới huyện Tháp Mười tiếp tục chỉ đạo Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể làm tốt công tác dân vận ở cơ sở, nhằm duy trì và nâng chất các tiêu chí  nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 huyện Tháp Mười trở thành huyện nông thôn mới nâng cao./.

BT: NGUYỄN THU