Xuất bản thông tin

null Tháp Mười – khó khăn của các hộ vừa chuyển sang trồng cây ăn trái

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười – khó khăn của các hộ vừa chuyển sang trồng cây ăn trái

Hiện nay, nhiều diện tích vườn tạp, trồng lúa kém hiệu quả đang được nông dân trong huyện Tháp Mười chuyển sang trồng chuyên canh cây ăn trái, bên cạnh những vườn chuyển đổi có hiệu quả thì cũng có nhiều hộ gặp khó khăn do không nắm được kỹ thuật.

Thăm vườn bưởi của nông dân ở xã Phú Điền, chúng tôi không khỏi tiếc cho người nông dân, vườn bưởi được trồng gần 4 năm, cây phát triển không đều, nhiều bệnh, ít trái nhưng đa số trái đều bị bệnh không bán được. Nguyên nhân được chủ vườn cho biết là do không nắm được kỹ thuật trồng nên có thời gian cây không phát triển, hiện tại, thân, lá, trái đều có bệnh nhưng vẫn chưa biết cách điều trị. Trao đổi với chúng tôi, Anh Nguyễn Hoàng Em, ấp Mỹ Điền, xã Phú Điền, cho biết, do trước giờ làm ruộng, mới chuyển sang trồng vưởn nên không biết cách chăm sóc, cây bị hư rễ, không phát triển, anh tìm tồi học hỏi trên mạng rồi làm theo, hiện tại cây mới bắt đầu phục hồi khoảng 50%, với diện tích 4.000m2 trồng bưởi, 4 năm chăm sóc thì số vốn ban đầu là tương đối lớn với người nông dân.  

Cũng chung tình trạng là không nắm kỹ thuật trồng nên mỗi khi cây bị bệnh, Ông Nguyễn Hoàng Anh đều đặt niềm tin vào các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, mà Ông nói vui rằng, do không biết chính xác là cây bệnh gì nên ra cửa hàng thuốc diễn tả triệu chứng bệnh, rồi người bán thuốc dựa vào đó mà đưa thuốc cho mình phun xịt nên hiệu quả không cao.  

Đây là tình trạnh chung của rất nhiều nông dân mới chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái như không nắm kỹ thuật trồng, không biết cách phòng trừ và điều trị bệnh cho cây, không biết cách bảo quản trái dẫn đến chuyển đổi không hiệu quả. Mặc dù, hàng năm, ngành chuyên môn mở gần 50 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn trái. Vậy, vấn đề đặt ra là do chính người nông dân không tham gia các lớp tập huấn hay do chưa có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả từ ngành chuyên môn, địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền, hổ trợ cho người nông dân. Nói về vấn đề này,  Ông Võ Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tháp Mười cho biết: ngành sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về cây ăn trái đối với nông dân, hướng dẫn nông dân đăng mã vùng, mời các chuyên gia trên lĩnh vực cây ăn trái tổ chức hội thảo, tập huấn để nông dân nắm được quy trình sản xuất. Để phát triển vườn cây ăn trái lâu dài thì ngành cũng tập trung vào các HTX, hội quán để sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn để tiêu thụ ổn định.

Để phát triển kinh tế thì việc chuyển đổi từ những diện tích vườn tạp hay trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái là nhu cầu chính đáng của người dân, vì vậy, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn, lấy mẫu đất để phân tích, lựa chọn loại cây trồng phù hợp với từng vùng để khuyến cáo nông dân; quy hoạch vùng trồng, hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, xây dựng vùng nguyên liệu và đăng ký mã vùng trồng. Đối với nông dân cần chuyển đổi phù hợp với định hướng của địa phương, tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất theo quy mô lớn, tập trung, sản xuất sản phẩm an toàn để đáp ứng nhu cầu của các Doanh nghiệp thì việc chuyển đổi mới thực sự mang lại hiệu quả kinh tế./.

Bt+ Hình: Thúy Ly (TTVH-TT-TT)