Xuất bản thông tin

null Giao Thông Tháp Mười phát triển sau 40 năm thành lập huyện

Chi tiết bài viết Tin tức

Giao Thông Tháp Mười phát triển sau 40 năm thành lập huyện

Những cây cầu khỉ, bến đò được thay thế bằng cầu bê tông cốt thép, những con đường đất nhỏ hẹp, nắng bụi mưa lầy giờ đây đã được thay thế bằng đường nhựa, đường đal rộng rãi, khang trang, giúp người dân trong huyện đi lại, giao lưu hàng hóa thuận tiện, xe bốn bánh có thể lưu thông liên xã, liên ấp dễ dàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và làm đổi mới bộ mặt nông thôn của huyện. Đó là những nét nổi bật về lĩnh vực giao thông huyện Tháp Mười sau 40 năm thành lập huyện.

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, khi mới thành lập huyện hệ thống giao thông chưa phát triển, người dân đi lại rất khó khăn, chủ yếu là xuồng ghe. Xác định giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng để tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân nên trong nhiều thập kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Tháp Mười luôn quan tâm dành nguồn lực, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, mạnh thường quân và đóng góp tự nguyện của người dân để phát triển giao thông theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ngoài các nguồn lực của Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Tổ chức chính trị- xã hội huyện Tháp Mười đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các mạnh thường quân và Nhân dân tại địa phương đóng góp tiền, vật tư, ngày công cùng chung tay thực hiện xã hội hóa xây dựng cầu, đường nông thôn để xóa đi những cây cầu khỉ, cầu ván, cầu tạm, đổ đá, lót đal, trải nhựa, mở rộng các tuyến đường nông thôn thay thế cho những tuyến đường ổ voi, ổ gà, đường đất nhỏ hẹp, nắng bụi mưa lầy, giúp người dân trong khu vực đi lại thuận tiện. Nói về sự đổi thay của quê hương trong lĩnh vực giao thông sau 40 năm thành lập huyện, ông Võ Văn Ngoạn, một người dân xã Thạnh Lợi cho biết:

“40 năm thành lập huyện rất là tiến bộ, trước đi ra huyện thì phải đi đò, sau này làm lộ được mới đi lộ nhưng mà lộ đất, giờ từ dưới ấp lên xã, ra huyện rất tốt. Mấy đường nông thôn hẻo lánh trong xã cũng được lộ đal, nhựa đi rất là tốt. Mua bán thì phương tiện giờ đi rất tốt, xe hoặc ghe khoảng trăm tấn vô mấy đường kênh nhỏ cũng vẫn được. Hiện nay các thương buôn tới trao đổi hàng hóa ở địa phương rất tốt. Bà con rất đồng tình và phấn khởi, ở huyện đưa về các công trình thì xã đều tích cực tham gia hết, xây dựng nông thôn mới này kia thì dân cũng đồng tình hiến đất để làm lộ, xã đã tiến bộ rất vượt bậc”

Về các xã trong huyện Tháp Mười vào thời điểm này, chúng tôi được nhiều người dân địa phương chia sẻ niềm phấn khởi từ khi có cầu, đường bê tông hoặc trải nhựa bằng phẳng. Bởi giao thông phát triển không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong huyện mà còn góp phần thúc đẩy giao thương mua, bán hàng hóa và giao lưu văn hóa giữa các địa bàn, nông dân bây giờ sản xuất nông sản không phải tự vận chuyển ra chợ để bán lẻ vì đã có thương buôn đến tận vườn để mua sản phẩm, đường sá đi lại thuận tiện giá trị nông sản cũng được tăng lên, nông dân không sợ bị thương buôn ép giá như trước. Ông Đoàn Văn Ẩn, Ấp 2 xã Đốc Binh Kiều cho biết:

“Hồi mới thành lập huyện thì còn cầu khỉ, giờ có xe, có đường đi, đường giờ trải nhựa Nhân dân quá phấn khởi, mình cùng nhau xây dựng, bảo vệ cho đường nó tốt. Thứ nhất là thuận tiện chở hàng hóa, giờ làm vườn chở hàng hóa đi xe tới nơi, thương buôn, không bóp giá như hồi lúc trước, bây giờ có xe rồi, đời sống Nhân dân rất phát triển”

Ngoài các tuyến đường trọng điểm, đường nông thôn, huyện Tháp Mười còn phát triển đường trục chính nội đồng được trên 275km, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, vận chuyển vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Mỹ Đông cho biết thêm về lợi ích của việc xây dựng giao thông nội động tại địa phương mình:

“ Nói về nội đồng, ở đây cũng có mấy ấp nội đồng xe đi lại chuyển hàng hóa, vật tư, lúa tập trung trong một bãi, đi xe cơ giới hóa rất tốt, giảm giá thành cho bà con trong cách vận chuyển hàng hóa khi thu hoạch”

Sau 40 năm thành lập huyện, bộ mặt giao thông của Tháp Mười đã được đổi mới toàn diện, các tuyến đường trọng điểm của huyện được đầu tư mở rộng như Quốc lộ N2 và đường Hồ Chí Minh; tỉnh lộ ĐT 846, ĐT 845, ĐT844, ĐT 850 và ĐT 856 đảm bảo ô tô đi lại và kết nối trung tâm hành chính tất cả các xã trên địa bàn huyện. Đến nay huyện Tháp Mười đã đầu tư xây dựng được trên 735km đường láng nhựa, đổ bê tông. Trong đó, đường trục xã và đường trung tâm xã đến huyện là trên 98km, được trục ấp và liên ấp là 188 km, đường ngõ, xóm là 227 km. Các tuyến đường trục xã, liên xã trong huyện quy mô nền đường rộng tối thiểu 6,5m, mặt đường rộng tối thiểu là 3,5m, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện, hệ thống cầu được xây dựng kiên cố, phù hợp với quy hoạch và cấp đường hiện trạng với 50 cây cầu, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và nâng cao đời sống Nhân dân. Ông Trần Văn Hoa, là người dân cao tuổi ở Ấp 3 xã Tân Kiều phấn khởi cho biết :

“ Năm 80 trở về trước, tình hình giao thông rồi đời sống Nhân dân rất khó khăn, vấn đề đi lại nông thôn đa số là cầu khỉ, lộ sình lầy, học sinh đi học thì bùn lầy, tới trường là lấm lem hết trơn. Sau này được Nhà nước đầu tư lộ làng, giao thông bây giờ phát triển rất là thuận tiện cho bà con nông dân của địa phương trong vùng sâu, vùng xa này. Bây giờ cầu bê tông, lộ được trải nhựa, những tuyến lộ lẻ không quan trọng thì cũng được rải đá mi chống lầy, đảm bảo cho nông dân vận chuyển vật tư, đường xá thông thoáng, kinh tế, đời sống Nhân dân rất thoải mái so với trước. Nhà nào cũng có xe máy chạy, ti vi sinh hoạt hàng ngày, loa phát thanh thông tin thời sự được hết, tiến bộ khoa học, kỹ thuật người dân cũng thay đổi, phát triển theo thời đại mới như bây giờ”.

BT: Nguyễn Thu