Xuất bản thông tin

null Diện mạo Tháp Mười sau 40 năm hình thành và phát triển

Trang chủ Tin tức

Diện mạo Tháp Mười sau 40 năm hình thành và phát triển

Được tác ra từ huyện Cao Lãnh vào năm 1981, với điều kiện hạ tầng yếu kém, 83% diện tích bị nhiễm phèn, thường xuyên bị ngập nước, điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50% dân số. Sau 40 năm, với sự quyết tâm của hệ thống chính quyền, sự đồng thuận của người dân, diện mạo Tháp Mười đã có nhiều thay đổi.

Đến Tháp Mười hôm nay, mọi người sẽ ngỡ ngàng về sự thay đổi vượt bật, nhất là những người con của quê hương Tháp Mười lâu lâu mới trở về. Những con đường đất đi lại khó khăn, chủ yếu đi lại bằng xuồng, ghe được thay đổi bằng những con đường nhựa, đường bêtông, nhiều tuyến đường trọng yếu được đầu tư mở rộng như: Quốc lộ N2 và đường Hồ Chí Minh; các tuyến tỉnh lộ ĐT 846; ĐT 845; ĐT 844; ..... đảm bảo ô tô đi lại quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính của tất cả các xã trên địa bàn huyện, toàn huyện có trên 735km đường láng nhựa, đổ bê tông. Giao thông thuận lợi, thúc đẩy công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản, tăng công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch tăng gấp 3 lần so cuối năm 2010;

Là huyện thuần nông nên Tháp Mười đã quyết tâm tăng thu nhập từ chính mảnh đất quê hương, vì vậy, từ 83% diện tích bị nhiễm phèn, thường xuyên bị ngập nước, 1 năm chỉ sản xuất được 1 vụ, nhờ chủ trương khai phá Đồng Tháp Mười, Tháp Mười đã đào kênh xả phèn, xây dụng đê bao, hiện tại, gần 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đê bao và sản xuất 3 vụ. Ngoài ra, là huyện tiên phong đi đầu trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, điển hình như cánh đồng sản xuất lúa thông minh, mô hình SRP....giúp Tháp Mười trở thành vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp.  Ông Trần Văn Nhi - p 3, Hưng Thạnh nhớ lại những khó khăn khi mới thành lập huyện, lúc đó, từ Hưng Thạnh muốn đi ra trung tâm huyện chỉ đi bằng xuống, phải mất mấy tiếng mới đến, còn làm ruộng thì chỉ có 1 vụ, mà bà con thường gọi là lúa chính vụ, làm đất, xịt thuốc, sạ phân, cắt....đều bằng tay, rất cực nhưng thu hoạch chỉ vài giạ lúa nên cuộc sống rất khó khăn, rồi sau này làm đường, bắt cầu, có trạm bơm, cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, giờ muốn đi tới trung tâm huyện chỉ cần vài chục phút, làm ruộng thì ứng dụng khoa học, liên kết, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thu nhập tăng, đời sống người dân nông thôn rất thoải mái.

Bên cạnh tập trung phát triển nông nghiệp như thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tháp Mười đã chủ động, tiên phong phấn đấu đạt huyện Nông thôn mới, mặc dù, Tháp Mười có xuất phát điểm còn thấp, bình quân mỗi xã chỉ đạt 9 tiêu chí. Xem nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên Tháp Mười đã tập trung mọi nguồn lực, với cách làm linh hoạt, sáng tạo, đến cuối năm 2019, huyện có 12/12 xã đạt xã Nông thôn mới và là huyện đầu tiên của Tỉnh được công nhận đạt huyện Nông thôn mới, trong đó, xã Mỹ Đông và Thanh Mỹ đang được xét công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao trong năm 2020. Từ hiệu quả của chương trình, giúp cho bộ mặt nông thôn của Tháp Mười ngày càng khang trang, sạch đẹp, nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng thay thế những căn nhà tạm bơ, dột nát; kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi được nâng cấp, bêtông hóa, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất, phục vụ nhu cầu giao thương hàng hóa, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được rút ngắn. Là người ở tuổi trên thất tuần, Ông Lê Văn Rô - ấp Mỹ Thạnh, Thanh Mỹ, chưa từng nghĩ quê hương mình lại thay đổi vượt bật như vậy, trước năm 2010, khi Lãnh đạo huyện về triển khai việc xây dựng Nông thôn mới, Ông còn bán tín bán nghi vì lúc đó, cả ấp của Ông chắc chỉ có 1 ngôi nhà tường, đường đất, năm nào cũng bị ngập nước. Tuy nhiên, bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới, bây giờ, Thanh Mỹ đã có nhiều thay đổi, đường xá lưu thông, thu nhập tăng, không còn nhà tạm bợ, nhất là môi trường sống trong lành, nhiều hàng rào đẹp mắt.

Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Tháp Mười cuối năm 2020 là trên 55 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,95%, giảm 48,05% so với năm 1981. Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Tháp Mười luôn đoàn kết, không ngừng n lực để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển. Đây sẽ là động lực để Tháp Mười tự tin, tiếp tục vươn lên, tỏa ngát hương như những đóa sen hồng. Nói về những định hướng trong thời gian tới, Bà Trần Thị Quý – Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, cho biết: ngoài những chương trình kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ của huyện thì huyện sẽ quan tâm vấn đề phân bố đầu tư nguồn lực để đạt các tiêu chí về đô thị ở các xã, thị trấn, ngoài việc nâng chất thì đồng thời phải đầu tư xây dựng làm sao để đạt các tiêu chí đã đề ra để đến năm 2025 thì huyện Tháp Mười đạt Nghị quyết, trong đó rất là quan trọng là đạt huyện NTM nâng cao theo lộ trình huyện Tháp Mười cố gắng trở thành huyện đô thị cửa ngõ phía đông của tỉnh Đồng Tháp.

Ngoài những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế, cơ sở vật chất thì kết quả quan trọng nhất là ý chí vươn lên, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của mỗi người dân Tháp Mười. Đây tiếp tục là tiền đề để Tháp Mười hoàn thành các mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

Bt+ Hình: Thúy Ly (TTVH-TT-TT)