Xuất bản thông tin

null Nông dân Tháp Mười duy trì thực hiện các giải pháp giảm giá thành trong sản xuất lúa góp phần tăng lợi nhuận cho gia đình

Chi tiết bài viết Tin tức

Nông dân Tháp Mười duy trì thực hiện các giải pháp giảm giá thành trong sản xuất lúa góp phần tăng lợi nhuận cho gia đình

Từ hiệu quả của các mô hình giảm giá thành trong sản xuất trong thời gian qua. Vụ Đông Xuân 2020-2021 nhiều nông dân trong huyện Tháp Mười tiếp tục duy trì áp dụng các giải pháp giảm giá thành trong sản xuất lúa như “Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT); Mô hình sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước - Ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0; mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Qua đó giúp người trồng lúa giảm được nhiều khoản chi phí và tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích đất sản xuất.

Vụ Đông Xuân 2020-2021 là vụ thứ 12 liên tiếp ông Lương Quốc Xuân ở xã Mỹ Quí thực hiện các biện pháp sản xuất lúa giảm giá thành, ứng dụng các kỹ thuật 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm theo hướng dẫn dự án VnSAT và tham gia liên kết sản xuất giống với Công ty Giống Cây trồng Miền Nam với diện tích 5ha, sản xuất giống chất lượng cao Đài Thơm 8. Trong quá trình canh tác gia đình ông Xuân luôn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa giống do Công ty hướng dẫn và ứng dụng các biện pháp giảm giá thành học được từ dự án VnSAT nên giảm được nhiều khoản chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là được công ty ký hợp đồng sản xuất giống nên đầu ra ổn định và giá cả bán được cao hơn thị trường từ 900đ/kg, do vậy lợi nhuận của gia đình cao hơn rất nhiều so với sản xuất thông thường, giúp gia đình phát triển kinh tế bền vững hơn. Ông Lương Quốc Xuân phấn khởi cho biết:

“Riêng phần kỹ thuật tham gia tổ hợp tác thực hiện dự án VnSAT thì đã được Khuyến nông tỉnh tập huấn về kỹ thuật canh tác. Làm phải đúng theo quy chuẩn, đúng kỹ thuật, đúng bài bản, nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm thì liên kết của bà con với Công ty sẽ được lâu dài hơn”

Đối với nông dân tham gia các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp ngoài ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng còn tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất của Công ty đưa ra, nhằm đảm bảo chất lượng và tiết kiệm được nhiều chi phí so với phương thức sản xuất cũ trước đây. Nói về hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất lúa. Ông Nguyễn Hồng Phước Ấp 4 xã Mỹ Đông cho biết:

“Gia đình mình cấy, ứng dụng theo 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Hợp đồng với Công ty thì có đầu ra ngoài, mình an tâm, rồi mình được học tập huấn ứng dụng theo khoa học. Thực hiện theo chương trình của Nhà nước nó phải giảm giá thành và tăng lợi nhuận, bởi vì làm cho Công ty có đầu ra, lúc nào cũng bán cao hơn ở ngoài, hiệu quả thì nó cao hơn sản xuất bình thường như trước kia. Gia đình mình có lợi nhuận cao, có tăng hơn lúc trước”

Thấy được lợi ích của việc áp dụng các biện pháp giảm giá thành trong sản xuất lúa và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp là giúp gia đình giảm chi phí sản xuất, có đầu ra ổn định và bán được giá cao hơn thị trường nên nhiều nông dân ở ngoài mô hình cũng đã mạnh dạn đăng ký tham gia các mô hình cánh đồng liên kết để được cán bộ chuyên môn của Công ty hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Ông Đoàn Văn Sử, Ấp 5 xã Thạnh Lợi cho biết suy nghĩ của mình như sau:

Sản xuất ngoài mô hình phải lệ thuộc cò lái, liên kết sản xuất cho Công ty Lộc Trời cũng hỗ trợ giống, cấy thì giảm giống, giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất nó cao hơn, đảm bảo đầu ra cho nông dân, lợi nhuận thì nó cao hơn bên ngoài, giá cả hấp dẫn hơn”

Từ hiệu quả của các mô hình giảm giá thành trong sản xuất lúa, trong vụ Hè Thu 2021 và những vụ tiếp theo huyện Tháp Mười tiếp tục duy trì và nhân rộng thực hiện mô hình này nhằm giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ý thức làm ăn tập thể, liên kết sản xuất cũng như việc ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành trong sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nông dân./.

Bt: Nguyễn Thu