Xuất bản thông tin

null Nông dân ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tại Cánh đồng lúa lý tưởng vụ Hè Thu 2020

Chi tiết bài viết Tin tức

Nông dân ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tại Cánh đồng lúa lý tưởng vụ Hè Thu 2020

Vụ Hè Thu năm 2020, huyện Tháp Mười tiếp tục duy trì thực hiện cánh đồng lúa lý tưởng tại xã Mỹ Đông với sự đồng hành của Công ty Rynan, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười; Công ty Lúa gạo Việt Nam và HTX Mỹ Đông. Nông dân tham gia mô hình đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho gia đình và góp phần bảo vệ môi trường.

Mô hình cánh đồng lúa lý tưởng tiếp tục được thực hiện tại cánh đồng sản xuất lúa của nông dân ở Ấp 4 xã Mỹ Đông với diện tích 20,5ha, có 10 hộ dân tham gia sản xuất giống Hương Châu 6 của Công ty Lúa gạo Việt Nam (Vinarice), các hộ dân sẽ thực hiện canh tác lúa theo 4 phương thức khác nhau để đối chứng gồm: sử dụng phân bón thông minh và máy sạ hàng của Công ty Rynan với lượng giống là 60kg/ha; sử dụng phân bón thông minh và máy sạ hàng của công ty Rynan với lượng giống là 80kg/ha; sử dụng phân bón thông minh và thiết bị sạ hàng thông thường; sử dụng sạ hàng thông thường và phân bón thông thường theo truyền thống. Là nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất lúa, ông Nguyễn Văn Đồng ở Ấp 4 xã Mỹ Đông hiểu rõ được lợi ích của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp nông dân giảm được rất nhiều khoản chi phí nên ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình với diện tích 2,5ha, sử dụng phân bón thông minh và máy sạ hàng của Công ty Rynan với lượng giống là 60kg/ha. Tuy là vụ đầu tiên ứng dụng công nghệ mới này vào sản xuất nhưng ông tin tưởng và hy vọng phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả cho gia đình.

Điểm mới của mô hình canh tác lúa lý tưởng vụ Hè Thu 2020 là không sử dụng máy cấy mà sử dụng máy sạ 2 trong 1, máy có 2 chức năng như cùng một lúc là sạ lúa và bón phân vùi nên tiết kiệm được chi phí về công lao động làm mạ và bón phân, máy cũng có chức năng điều chỉnh lượng giống theo ý muốn của nông dân kết hợp bón phân thông minh, bón 1 lần cho cả vụ, nông dân không phải bón phân nhiều lần trong một vụ như trước đây, tiết kiệm được nhiều chi phí về giống, phân bón, giảm nhân công lao động. Ông Thạch Thanh Na, cán bộ kỹ thuật của Công ty Rynan cho biết về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ mới này vào sản xuất:

“ Thứ nhất là mình giảm được công sạ, thứ 2 là mình giảm được công bón phân, đặc biệt là mình sử dụng phân bón thông minh là chỉ vùi một lần cho cả vụ, thông thường mình phải bón 3 lần còn bây giờ mình chỉ cần vùi trong lúc mình sạ là suốt cả vụ không cần phải bón phân thêm. So với máy cấy thứ nhất là chi phí mình sẽ giảm hơn, tại vì cấy mình phải làm mạ thì sẽ tốn một số chi phí như giá thể, công chăm sóc mạ, truyền mạ ra ruộng nó sẽ tốn chi phí, công sức nhiều hơn, còn đối mới máy sạ này có thể sạ từ 60 đến 80kg/ha, nó cũng gần tương đương như mình cấy nhưng mình không cần tốn công làm mạ, giúp bà con giảm được chi phí canh tác, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như lợi nhuận hơn”

Tham gia mô hình nông dân còn được Công ty Rynan hỗ trợ 50% chi phí sạ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ 50% chi phí giống và phân bón, những diện tích thực hiện mô hình cũng được Công ty Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) bao tiêu theo giá thị trường cộng thêm 200đ/kg nên nông dân rất yên tâm. Ngoài áp dụng máy sạ lúa, bón phân cải tiến, mô hình còn áp dụng các kỹ thuật tiên tiến khác như tưới ngập khô xen kẽ bằng trạm bơm thông minh, kiểm soát sâu rầy bằng thiết bị thông minh. Trong tương lai còn nhiều kỹ thuật khác có thể áp dụng như phun thuốc bằng máy bay không người lái, cảm biến nhiệt độ nước. Với những công nghệ đã, đang và sẽ được ứng dụng tại cánh đồng lúa lý tưởng tại xã Mỹ Đông, nông dân đang hy vọng, mô hình sẽ mang lại hiệu quả, giúp nông dân sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho gia đình và góp phần bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và bền vững theo tinh thần của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh./.

Nguyễn Thu