Xuất bản thông tin

null Hậu phương vững chắc phục vụ chống dịch Covid-19

Chi tiết bài viết Tin tức

Hậu phương vững chắc phục vụ chống dịch Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nhiều ngày qua, huyện Tháp Mười đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Bên cạnh lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu thì người hậu phương cũng có nhiều nỗ lực, đoàn kết, chung tay tiếp sức cho tiền tuyến và giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19.

Trong thời gian gần đây, huyện Tháp Mười đã phát sinh nhiều ổ dịch mới, công tác phòng chống dịch bệnh được các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt, số lượng chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại tuyến giao thông địa bàn giáp ranh các các địa phương ở trong và ngoài huyện được tăng cường. Lực lượng tuyến đầu được điều động tham gia làm nhiệm vụ chống dịch ngày càng nhiều. Dù thời tiết mưa hay nắng, ngày hay đêm thì các cán bộ, chiến sĩ cũng luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao. Thấy rõ được sự hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tháp Mười đã vận động thành lập Tổ Phụ nữ nấu ăn phục vụ lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và lực lượng lấy mẫu Test nhanh Covid-19 trên địa bàn. Bà Trần Thị Ngọc Cẩm, Chủ tịch Hội liện hiệp Phụ nữ huyện Tháp Mười cho biết:

“Để hỗ trợ cho các chốt trực cũng như truy vết, tầm soát các ổ dịch, phục vụ công tác hậu cần Hội Liên hiệp phụ nữ cũng tổ chức chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các tổ phụ nữ nấu ăn phục vụ các chốt cũng như đội ngũ tình nguyện viên, chúng tôi đã thành lập được 8 đội với 65 thành viên, tinh thần chị em là tự nguyện tham gia nấu ăn, kinh phí hoạt động là vận động mạnh thường quân trong và ngoài huyện hỗ trợ. Dù bất cứ vai trò nào thì chúng tôi cũng phát huy, vận động chị em phụ nữ tích cực đóng góp sức người, sức của. Ngoài việc nấu ăn chị em nào khá giả cũng ủng hộ kinh phí cho công tác hậu cần này, làm sao cùng với chính quyền địa phương thực hiện công tác chống dịch trong thời gian tới, trả lại cuộc sống yên bình cho bà con”

Để có những suất ăn ngon phục vụ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, các chị hội viên phụ nữ đã không ngại khó khăn, sắp xếp công việc gia đình, thức dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu, nấu ăn bữa sáng, bữa trưa ấm áp, nghĩa tình phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát. Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Mỹ An cho biết về hoạt động hỗ trợ nấu ăn phục vụ tuyến đầu chống dịch tại địa phương mình như sau:

“Mỗi ngày nấu khoảng 50 đến 70 phần, ngày cao điểm như test cho người dân trên địa bàn có thể lên tới 100, 250, nguồn vận động do các nhà mạnh thường quân. Nói chung các chị em tự nguyện hết, đi nấu bằng cái tâm tự nguyện, gác lại công chuyện gia đình, phụ giúp tổ nấu ăn này để nấu cho các anh em các chốt trực, mong muốn cho mọi người cùng chung tay cùng nhau thực hiện tốt Chỉ thị 16 để đẩy lùi đại dịch Covid-19”

Với tinh thần trách nhiệm và sẻ chia vì cộng đồng, nhiều nhà hảo tâm và người dân ở trong và ngoài huyện Tháp Mười đã sẵn sàng đóng góp kinh phí, ngày công để nấu ăn, làm hậu phương vững chắc phục vụ tuyến đầu chống dịch. Bà Nguyễn Thị Bảy, một tiểu thương tại Chợ Tháp Mười có nhiều đóng góp hỗ trợ Tổ phụ nữ từ thiện nấu ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn thị trấn Mỹ An cho biết:

“Thấy các chốt anh em trực đêm, hôm cực khổ, mình cùng chung tay nhau đẩy lùi Covid, thấy anh em không có suất ăn tôi mới vận động, mới đầu kinh phí từ gia đình tôi, sau đó mạnh thường quân ủng hộ, ai cho gì mình lấy đó, gạo, tiền, trong mùa Covid này mọi người ai cũng đã khổ, cùng chung tay góp sức với mọi người từ cái việc nhỏ nhặt cùng nhau chống Covid, mong sao cho dịch mau qua để mọi người có cuộc sống bình bình”

Còn anh Nguyễn Hoàng Thắng, Chủ Cơ sở dịch vụ lúa giống Hoàng Thắng ở xã Láng Biển cũng có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người dân vùng dịch vượt qua khó khăn. Đã nhiều ngày qua, anh Thắng đã ủng hộ kinh phí, phương tiện cùng với anh em trong cơ sở của mình đã không ngại khó khăn, lái xe rong ruổi khắp các nẻo đường từ Đồng Tháp đến An Giang để thu mua các loại rau, củ về tập kết tại kho ở xã Láng Biển, sau đó vận chuyển số rau, củ này tặng cho bà con vùng dịch ở địa phương và các tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm giúp cho người dân có thêm nguồn thực phẩm xanh vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Anh Nguyễn Hoàng Thắng, Chủ Cơ sở dịch vụ lúa giống Hoàng Thắng ở xã Láng Biển chia s:

“Thấy dịch này bà con khổ nhiều quá, em vận động, người góp công, người góp của, góp tiền mua rau, củ, quả xuất đi cho bà con, thứ nhất ở huyện Tháp Mười là ưu tiên, cho những tổ nấu cơm cho các chốt, bệnh viện cũng có nhận, TP HCM, Bình Dương, tới thời điểm này khoảng sáu mấy tấn rồi, tổng giá trị hiện nay trên 700 triệu đồng rồi, hai vợ chồng cũng thống nhất để làm hoạt động này”

Những hoạt động trên cho thấy, trong khó khăn tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung tay phòng chống dịch bệnh của người dân lại được phát huy cao độ, nhiều nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa. Bên cạnh những hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch còn có hình ảnh của người hậu phương là những hội viên phụ nữ nấu ăn miễn phí cho lực lượng chống dịch, đội hình Shipper áo xanh của đoàn thanh niên vận chuyển các phần quà từ gian hàng 0 đồng đến tận hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội, những chuyến xe chở hàng chục tấn rau xanh đi phát cho bà con nơi vùng dịch. Tất cả nguồn kinh phí được vận động từ nguồn xã hội hóa, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, chung sức, chung lòng vì cộng đồng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để cuộc sống của Nhân dân được bình yên./.

Bt: Nguyễn Thu