Xuất bản thông tin

null Tháp Mười – Hiệu quả bước đầu mô hình sản xuất theo nhu cầu của Doanh nghiệp

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười – Hiệu quả bước đầu mô hình sản xuất theo nhu cầu của Doanh nghiệp

Vụ Thu Đông năm 2021, Tháp Mười thực hiện mô hình sản xuất theo nhu cầu của Doanh nghiệp, qua đánh giá, mô hình bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.

Mô hình được thực hiện vụ thu đông ở HTX Mỹ Đông 2, diện tích 280ha. Nông dân  sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) và Công ty Cổ phần giống cây trồng Cửu Long là sản xuất loại giống, quy trình kỹ thuật và thời gian theo Doanh nghiệp yêu cầu và được doanh nghiệp thu mua theo giá thỏa thuận. Những diện tích này được xuống giống sau lịch sản xuất tập trung của huyện khoảng 30 ngày, hiện tại, những diện tích này đang thu hoạch, năng suất bình quân 6 tấn/ha, tương đương với năng suất bình quân của huyện, giá lúa liên kết cao hơn giá thị trường trên 1.000đ/ký giúp nông dân tăng lợi nhuận. Có 05ha sản xuất liên kết theo đơn hàng của Công ty Vinarice, anh Nguyễn Phước Hưng cho biết, đây là vụ đầu tiên liên kết với Vinarice, đơn vị liên kết rất chặt chẽ từ khâu cung cấp giống đến thu hoạch và sau thu hoạch, việc xuống giống chậm hơn lịch chung của huyện giúp chủ động trong máy móc và nhân công lao động, được bao tiêu đầu ra nên Anh cũng không phải lo lắng khi thu hoạch. Anh Hưng cho biết, chưa lúc nào làm nông dân lại khỏe như lúc này, đến thu hoạch chỉ cần đem dây ra ruộng đợi cân xong rồi nhận tiền, chứ không như những năm trước phải lo kiếm thương lái, nếu không có thương lái thì phải để lại lúa qua đêm ngoài ruộng, thất thoát.

Có 02ha đất sản xuất là nguồn thu nhập chính của gia đình nên Ông Trang Nhật Chinh phải tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào để tăng lợi nhuận. Thực hiện mô hình sản xuất theo nhu cầu của Doanh nghiệp, Ông cũng chỉ có một mong muốn là được tăng lợi nhuận. Khi mới bắt đầu thực hiện Ông cũng rất lo lắng vì phải xuống giống chậm hơn lịch xuống giống chung của huyện thì khả năng sâu bệnh sẽ cao, rồi phải sản xuất theo quy trình, đo độ ẩm khi thu hoạch. Nhưng khi thu hoạch vụ này, Ông rất phấn khởi vì chi phí giảm, không cần lo đầu ra nên Ông mong muốn được Doanh nghiệp tiếp tục hợp đồng liên kết lâu dài.

Trong đợt dịch bệnh vừa qua, tất cả các loại nông sản không có liên kết đều gặp khó khăn trong tiêu thụ, chỉ những diện tích liên kết là vẫn duy trì được đầu ra. Vì vậy, giải pháp duy nhất để người dân không lo đầu ra khi thị trường có biến động  là sản xuất có liên kết ngay từ đầu với Doanh nghiệp, khi nông dân sản xuất theo nhu cầu của Doanh nghiệp thì không còn tình trạng cung vượt cầu, giá sụt giảm hay không tiêu thụ được. Tuy nhiên, để có thể liên kết với Doanh nghiệp, HTX phải là đơn vị đại diện cho nông dân để ký hợp đồng. Do đây là lần đầu tiên trong huyện HTX đại diện nông dân ký hợp đồng liên kết với Doanh nghiệp nên còn một số vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, hiệu quả đã được thấy rõ và đây cũng là xu thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững hiện nay. Ông Lê Văn Ngọt – Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, mô hình bước đầu đã giúp nông dân an tâm đầu ra, tuy nhiên, để giảm được chi phí, tăng thêm lợi nhuận thì HTX càng phải phát huy vai trò của mình,  HTX làm thêm đầu vào và đầu ra như phân bón, thuốc trừ sâu, áp dụng khoa học kỹ thuật  để chi phí bà con giảm xuống để tăng giá trị sản xuất.

Được biết, bên cạnh được thu mua với giá cao hơn thị trường, những diện tích liên kết còn có thêm thu nhập từ việc bán rơm, giúp nông dân không cần phải đốt rơm làm ảnh hưởng đến đất. Ngoài ra, việc sản xuất liên kết, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nông dân giải phóng sức lao động, giải quyết bài toán thiếu nhân công lao động hiện nay. Tuy nhiên, để có thể liên kết bền vững với Doanh nghiệp, người nông dân cần tập làm quen với việc phải tuân thủ các nguyên tắc của hợp đồng và chịu trách nhiệm khi phá vỡ hợp đồng.

Bt+ Hình: Thúy Ly