Xuất bản thông tin

null Nông dân Tháp Mười thay đổi tư duy trong liên kết sản xuất

Chi tiết bài viết Tin tức

Nông dân Tháp Mười thay đổi tư duy trong liên kết sản xuất

Nhằm giúp nông dân sản xuất lúa với chi phí thấp nhưng đảm bảo chất lượng và có đầu ra ổn định, thời gian qua  huyện Tháp Mười đã đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Qua thực hiện đã mang lại kết quả khả quan, diện tích liên kết sản xuất trên địa bàn huyện ngày càng tăng, nông dân từng bước thay đổi tư duy trong liên kết sản xuất, chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng ứng dụng các biện pháp khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định và mang lại lợi nhuận cao cho gia đình.

Là nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất lúa theo phương thức truyền thống, chị Nguyễn Thị Khôn ở Ấp 1 xã Tân Kiều chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể sản xuất thành công với phương pháp sử dụng 2kg giống/công (1.000m2). Nhưng với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi kỹ thuật mới trong sản xuất. Vụ Đông Xuân năm 2021-2022 vừa qua, gia đình chị Khôn đã mạnh dạn tham gia mô hình liên kết sản xuất giống Nguyên chủng Đài Thơm 8 thế hệ mới với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam Vinarice (Công ty). Điểm mới của mô hình này là Công ty triển khai phương pháp kỹ thuật cấy thủ công 1 tép lúa/bụi, khoảng cách 20x25, trong quá trình sản xuất thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật do Công ty hướng dẫn. Mặc dù thời gian đầu phải mất ăn, mất ngủ, lo lắng cho cánh đồng lúa của gia đình nhưng thời gian đã chứng minh quyết định này của gia đình là đúng đắn khi lúa phát triển tốt, thu hoạch năng suất đạt cao, lợi nhuận nhiều hơn so với ruộng sản xuất theo phương thức truyền thống. Điều làm chị Khôn vui hơn là thông qua mô hình đã giúp cho gia đình thay đổi tư duy sản xuất, lúa làm ra đảm bảo chất lượng, năng suất đạt 7 tấn/ha, được Công ty thu mua cao hơn giá thị trường 1.700đ/kg nên lợi nhuận của gia đình cũng tăng lên rất nhiều.

Đối với anh Ngô Thanh Bình, Ấp 1 xã Tân Kiều thì hiểu rất rõ sự khó khăn, vất vả của người nông dân khi làm ăn riêng lẻ, không ký kết hợp đồng kiên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp thì người nông dân gặp rất nhiều rủi ro khi giá cả thị trường không ổn định. Chính vì vậy, khi được chính quyền địa phương vận động tham gia ký hợp đồng liên kết sản xuất giống với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam Vinarice, anh Bình đã đồng ý tham gia và thấy được rất nhiều lợi ích. Anh Bình nói:

“Làm việc với Công ty là mình được thứ nhất được công ty hỗ trợ tiền cấy, hai là giá thành người ta cho lên 1 ngàn bảy cộng với giá thị trường thì mình lời cao hơn so với những người làm ở ngoài rất nhiều. Bây giờ mình mần tất cả cái gì tình lợi nhuận đạt, liên kết thì ngon hơn chứ để mình mần bên ngoài nhỏ lẻ không đạt. Mần với công ty mình không sợ Công ty bỏ mình, giá cả như thế nào Công ty cũng thu mua hết, còn mần bên ngoài mình không có liên kết thì mai mốt giá thành sụt, thương lái sẽ bóp mình này kia, lợi nhuận không có. Vừa rồi tôi làm một công chi phí khoảng 3,5 triệu ở đây là công tầm lớn, khi tôi bán cho công ty được 8 triệu/công, lợi nhuận khoảng bốn triệu mấy đến 5 triệu/công. Mùa rồi tôi làm có một mình, giờ bà con vùng này đã thấy mình làm cũng được, mùa này đã liên kết với và con được 16ha cấy 1 tép và 5ha cấy máy, vừa rồi bà con đi khảo sát đồng, bà con thấy vui mừng thấy lúa năng suất cũng tương đối đạt là lợi nhuận sẽ cao hơn. Nếu mùa tới Công ty vẫn tiếp tục thì nông dân ở đây sẽ tiếp tục đầu tư làm với Công ty”

Hiệu quả bước đầu từ mô hình liên kết sản xuất giống với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam Vinarice đã giúp gia đình anh Ngô Thanh Bình quyết định mở rộng liên kết sản xuất giống Đài Thơm 8 thế hệ mới với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam ở vụ Hè Thu 2022 này với diện tích là 6,5ha. Không chỉ gia đình anh Bình, nhiều nông dân trong khu vực cũng đăng ký thực hiện mô hình với tổng diện tích là 20ha. Tham gia mô hình này, nông dân được Công ty hỗ trợ về kỹ thuật và chi phí nhân công cấy lúa, khi thu hoạch Công ty thu mua với giá cao hơn thị trường từ 1.000 đến 1.700đ/kg, tùy vào từng loại giống. Hiện lúa đang phát triển tốt, gần đến thời kỳ thu hoạch, Công ty đã tổ chức cho nông dân ở trong và ngoài huyện đến tham quan thực tế và được nông dân đánh giá cao do mô hình giảm được nhiều giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa cấy chỉ 1 tép nhưng nở bụi to, cứng cây, bông dài, hạt sáng, chắc, giúp nông dân giảm được nhiều chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho gia đình. Do vậy nhiều nông dân ngoài mô hình cũng muốn học tập kỹ thuật mới từ mô hình này để sản suất đạt hiệu quả, phát triển kinh tế cho gia đình. Ông Lê Văn Vũ ở thị trấn Mỹ An cho biết suy nghĩ của mình:

“Lúa nở, sáng hạt, làm này tốn công nhưng lợi nhuận nhiều so với sạ truyền thống. Nói 2kg không tin nhưng hôm nay vô mới tin, đi tham quan vậy về rút kinh nghiệm, phải học hỏi mô hình vậy để chi phí mình nó giảm, lợi nhuận mình tăng lên, thu nhập mình tăng lên. Thường mình sạ 18kg mà cái này có 2kg thì tiết kiệm nhiều lắm, mấy trăm ngàn 1 mẫu, ít bệnh hơn, phân bón cũng giảm hơn chút, nông dân mình cần học hỏi để làm theo mô hình như vậy, giúp cho kinh tế mình tốt hơn”

Không phải lo đầu ra cho sản phẩm lại được phía Công ty hỗ trợ kỹ thuật sản xuất lúa giống đảm bảo chất lượng, các biện pháp hạ giá thành sản xuất và lúa làm ra bán giá cao hơn thị trường nên nông dân rất yên tâm tham gia mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Qua đó cũng giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, mang lại niềm tin cho doanh nghiệp, tạo mối liên kết bền vững. Ông Bùi Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam cho biết:

“Bà con nông dân ở tỉnh Đồng Tháp nói chung và huyện Tháp Mười nói riêng thì hợp tác với Vinarice sản xuất lúa giống, Công ty đánh giá bà con rất chuyên nghiệp hơn những vùng và tỉnh khác. Vì bà con làm quen rồi, người ta được cán bộ kỹ thuật, kỹ sư của công ty xuống hướng dẫn kỹ thuật người ta quen và lập đi lập lại nhiều vụ thì quy trình kỹ thuật người ta nắm làm rất tốt, còn những địa bàn mới chúng ta làm từ đầu thì anh em Công ty cũng hơi cực nhọc. Riêng huyện Tháp Mười, hiện nay chúng tôi đánh giá rất cao bà con nông dân huyện Tháp Mười, hướng tới sẽ mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất lúa giống, thu mua chênh lệch giá rất cao, từ 1.000 đến 1.700đ tùy theo giống, hiệu quả kinh tế bà con nông dân lợi nhuận so với không liên kết từ 20 đến 25% cho một đơn vị diện tích/ vụ so với những bà con không liên kết nên bà con nông dân rất thích thú”

Lãnh đạo Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam Vinarice cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, Công ty đã ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với nông dân huyện Tháp Mười với diện tích trên 2.000ha. Riêng vụ Hè Thu năm 2022 là 700ha. Trong thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích tích liên kết sản xuất lúa giống và lúa nguyên liệu tại huyện Tháp Mười và các huyện trong tỉnh, do Công ty đóng trên địa bàn tại huyện Tháp Mười và xác định tỉnh Đồng Tháp là vùng nguyên liệu chiến lược của Công ty, trong đó huyện Tháp Mười là ưu tiên số 1. Việc đẩy mạnh công tác liên kết sản xuất của doanh nghiệp với nông dân đã góp phần làm thay đổi tư duy về cách nghĩ, cách làm của người nông dân trong thực hiện mô hình liên kết sản xuất. Qua đó đã giúp nông dân tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và xây dựng Nông thôn mới nâng cao tại địa phương./.

BT: Nguyễn Thu