Xuất bản thông tin

null Một số biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do ngập lũ trên các vườn cây ăn trái

Chi tiết bài viết Tin tức

Một số biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do ngập lũ trên các vườn cây ăn trái

Hiện nay, trên địa bàn huyện, diện tích cây ăn trái hiện có là 4.016,6 ha với các loại cây ăn trái được trồng chủ yếu như: mít 2.390,55 ha, chanh 476 ha, sầu riêng 417,4 ha, dừa 115,44 ha, nhãn 16,84 ha, thanh long 22,45 ha, ổi 201,79 ha...còn lại cây ăn trái khác. Tập trung chủ yếu tại các xã: Thanh Mỹ (1.243,99ha), Đốc Binh Kiều (581,46ha) và Phú Điền (538,81ha).

Ngày 27/10/2022 Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Đồng Tháp, mực nước tại các trạm Thủy văn trên địa bàn huyện đều vượt mức báo động II (tại trạm Trường xuân là 2m18 cao hơn báo động II là 0,18m và tại Mỹ An là 2m0 cao hơn báo động II là 0,2m).

Theo báo cáo của ngành chuyên môn, thời gian do mưa, triều cường kết hợp lũ thượng nguồn đã làm ảnh hưởng tràn một số ô bao trên địa bàn huyện gây ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân, trong đó có cây ăn trái.

Để chăm sóc cây ăn trái trong và sau ngập hạn chế thiệt hại là điều cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay.

1. Nguyên nhân cây ăn trái bị thiệt hai do ngập lũ hay mưa dầm

- Hiện tượng đất bị đóng váng bề mặt do nước mưa xói mòn, hòa tan các hạt sét nhỏ và phủ kín các khoảng trống trên mặt đất hoặc do lớp phù sa (từ ngập lụt) bồi kín mặt đất làm đất không còn thoáng khí.

- Đất ngập bị nước chiếm hết các tế khổng nên không còn đủ oxy cung cấp cho rễ hô hấp (chỉ sau 24-48 giờ), đất trở nên bão hòa nước và rễ rất dễ bị hủy hoại.

- Do cao trình thấp, khả năng thoát thủy kém, mực nước trong các mương vườn thường rất cao (hiện tượng úng cục bộ hay từng phần) làm hạn chế và hủy hoại hệ thống rễ mọc sâu dưới tầng đất mặt.

Từ đó làm rễ bị thiếu oxy, đồng thời bị ngộ độc CO2 cùng các độc chất khác, rễ bị “nghẹt” và sau đó bị thối. Làm các loài nấm bệnh trong đất rất dễ tấn công, gây hại cho cây trong và sau mùa lũ.

Hiện tượng nghẹt rễ cũng đồng thời làm cây bị “stress”, tổng hợp Ethylene bên trong gây ngộ độc, làm lá bị vàng và rụng, đặc biệt sau khi nước rút.

2. Mức độ chống chịu ngập của các loài cây ăn trái

Ở các loài cây ăn trái có mức độ chịu ngập rất khác biệt nhau, có thể chia làm 3 nhóm:

- Nhóm các loại cây rất dễ bị chết do ngập lũ (thường chịu ngập dưới 15 ngày) là các loại: Đu đủ, cóc, nhãn, chôm chôm, cam quít (nhất là quít tiều), măng cụt, mãng cầu ta (na), xơ ri, sầu riêng...

- Nhóm các loại cây chống chịu trung bình (chịu đựng được 15 - 30 ngày) với các loài: Bưởi, chanh (chanh giấy chịu đựng tốt hơn), chuối, ổi, me, vú sữa…

- Nhóm các loại cây có khả năng chống chịu khá (thường chịu đựng ngập trên 1 tháng, đôi khi trên 2 tháng) là các loài: Xoài, sapô, mãng cầu xiêm (tháp gốc bình bát)...

Tuy nhiên, khả năng chịu ngập của các loài cây ăn trái còn thay đổi tùy vào:

- Trên cùng loài có mực chịu ngập úng khác nhau như: xoài bưởi chịu ngập kém hơn Cát Hòa Lộc, Cát Chu hay Thanh Ca; chanh Núm chịu ngập kém hơn chanh Giấy...

- Cây chưa cho trái chịu ngập kém hơn cây trưởng thành hoặc trồng trên 10 năm.

- Cây đang phát triển sinh khối: ra đọt, phát triển rễ tơ, ra hoa, mang trái khả năng chịu đựng cũng kém hơn.

- Nếu bón thừa phân đạm và lân trong khoảng 1 tháng trước khi bị ngập hay mưa dầm làm giảm khả năng chịu đựng của cây rất nhiều.

3. Hướng dẫn các biện pháp bảo vệ vườn cây ăn trái trong và sau mưa và triều cường:

a) Nếu vườn cây bị ngập, úng

- Nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp vườn. Dòng chảy và thoáng sẽ giúp cung cấp một phần Oxy, giúp rễ có thể hô hấp được tốt hơn.

- Duy trì cỏ dại trong vườn nhằm tránh xói mòn đất do thủy triều lên xuống và làm cho đất tơi xốp giúp rễ cây hô hấp tốt hơn.

- Hạn chế đi lại trên vườn làm hệ thống rễ bị tổn thương và làm đất trở nên nén chặt lại gây thiếu oxy cung cấp cho rễ.

- Trong giai đoạn này, do mưa dầm làm một số loài cây ăn trái có khả năng đâm tược non, hoa hay mang trái làm tiêu hao năng lượng dự trữ. Do đó, các nhà vườn nên:

+ Cắt tỉa bỏ các tược non, hoa, trái trên cây (nếu có thể);       

+ Xử lý lá cây bằng cách phun dung dịch Phosphat Kali (4/5) + Urê (1/5) (nồng độ 1,0 - 1,5%) hoặc hỗn hợp phân DAP (2/3) và Clorua Kali (1/3) ở nồng độ 1,0 - 2,0% (hỗn hợp phải ngâm trước để không nghẹt bình xịt). Nên xử lý vào chiều mát (và có chất dính để tránh bị mưa rửa trôi). Phun 2 - 3 lần, cách nhau 7 - 10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Việc xử lý sẽ giúp lá mau già, cây chậm tăng trưởng để tiến vào giai đoạn “ngủ nghỉ”, ít tiêu hao dưỡng chất khi rễ bị ngập đang cung cấp dinh dưỡng cho cây quá kém.

+ Phun dung dịch đường qua lá để cung cấp thêm năng lượng hoặc hoạt chất chứa Cytokinin (Agrispon, Sincosin...) giúp ngăn cản quá trình tổng hợp Ethylene và oxy-hóa diệp lục tố, để tăng cường khả năng chịu ngập của cây.

b) Đến khi nước rút (Giai đoạn sau lũ): Sau khi nước rút các vườn có hiện tượng mặt đất bị đóng váng bề mặt, đây là một trong các nguyên nhân làm chết cây hàng loạt. Hiện tượng này làm rễ bị nghẹt, thiếu hô hấp dẫn đến rễ thối làm cây chết hoặc bị nấm bệnh (Fusarium, Phytophthora, Diplodia, Pythium, Rhizopus...) xâm nhập vào vết thương làm hại cây. Do đó, các biện pháp cần thực hiện gồm:

- Xới mặt đất (ở vùng tán cây) để phá váng, giúp đất được thông thoáng.

- Bón DAP (2/3) và clorua kali (1/3) với liều lượng 0,2 - 1,0 kg hỗn hợp/cây (tùy loại và tuổi cây) cùng lúc với xới đất để kích thích cây hồi phục, mọc rễ mới.

- Cung cấp các dưỡng chất qua lá chứa đường, NPK, Cytokinin... để tăng cường khả năng hồi phục của cây.

- Khai rãnh ở mặt liếp, thoát nước trong mương để hạ nhanh mực thủy cấp trong liếp, giúp rễ mau thông thoáng hơn.

- Bón vôi xung quanh vùng rễ để diệt nấm bệnh tấn công hệ thống rễ và trị các loại bệnh do nấm tấn công ở vùng gốc và rễ cây bằng các loại nông dược phù hợp./.

BT và hình: ĐH.Thái