Xuất bản thông tin

null Những nổi bật trong tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Chi tiết bài viết Tin tức

Những nổi bật trong tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần tích cực thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong 19 tiêu chí thì môi trường là một trong những tiêu chí khó vì cần có sự chung tay đóng góp của cả hệ thống chính trị, mà chủ thể thực hiện là người dân. Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền vận động của kiên trì của cả hệ thống chính trị, ý thức người dân dần thay đổi, đã cùng địa phương chung tay xây dựng môi trường sống trong lành, xanh- sạch – đẹp.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí 17 môi trường, ngoài các chỉ tiêu do Chính quyền địa phương thực hiện thì chỉ tiêu dòng sông không rác; phân loại chất thải tại nguồn; chất thải nhựa được thu gom, tái chế, xử lý theo quy định; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp do người dân thực hiện. Tuy nhiên, để thay đổi được ý thức, thói quen của người dân cần có sự vận động thường xuyên, kiên trì. Vì vậy, bên cạnh đa dạng công tác tuyên truyền như trên các phương tiên truyền thông, phát tờ rơi, hướng dẫn người dân phân loại rác thải sinh hoạt, thu gom và xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp, treo băngrol, thông qua các cuộc họp chi tổ hội, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, từng xã còn thường xuyên tổ chức ra quân phát quang cây xanh che khuất tầm nhìn, thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật, trồng hoa, trồng cây xanh trên các tuyến đường, làm hàng rào cổng ngõ....và nhiều mô hình như tphụ nữ xách giỏ đi chợ, tổ Phụ nữ “phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình”, “ngày thứ bảy tình nguyện”, “ngày chủ nhật xanh” của đoàn thanh niên. Qua thời gian triển khai, ý thức người dân thay đổi, cảnh quan môi trường của huyện Tháp Mười cũng thay đổi.

Một số mô hình nổi bậc trong thực hiện tiêu chí môi trường

1. Mô hình thu gom rác thải nông nghiệp

Để người dân thuận tiện trong việc thu gom rác thải nông nghiệp, toàn huyện Tháp Mười đã bố trí trên 1.100 bể chứa, 700 thùng chứa rác và xây dựng 12 “Khu vực lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” ở 12 xã nông thôn mới. Bao bì, vỏ chai thuốc BTVT sau khi sử dụng xong đều được nông dân thu gom bỏ vào thùng, bể chứa được bố trí cặp theo các tuyến đường nội đồng hay từng mảnh ruộng, sau đó tập trung về khu lưu chứa của xã để tập trung vận chuyển  xử lý theo quy định, vì vậy, lượng rác thải nông nghiệp thải ra môi trường giảm hơn 80% so với trước.

2. Mô hình xã hội hóa thu gom rác thải sinh hoạt

Bên cạnh rác thải nông nghiệp, việc thu gom rác thải sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn do đơn vị thu gom rác chỉ thu gom ở các tuyến dân cư hay các chợ, chưa thu gom ở các hộ gia đình, nhất là trong các tuyến đường nông thôn. Vì vậy, từ mô hình xã hội hóa thu gom rác thải sinh hoạt của UBND xã Mỹ Đông, đến nay, nhiều địa phương trong huyện đã thực hiện. Các hộ dân sẽ tự phân loại rác hữu cơ, vô cơ gọn gàng để xe thu gom rác đến thu gom, tập trung về 01 điểm để đơn vị thu gom rác đến thu gom và xử lý, mô hình được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

3. Tuyến đường kiểu mẫu gắn cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp

Cắt tỉa, chăm sóc hàng rào cây xanh, chăm chút từng khóm hoa, nhổ bỏ từng cây cỏ, thu gom rác thải trong vườn, ngoài ruộng là việc làm hàng ngày của người dân huyện Tháp Mười. Từ mô hình ban đầu, hiện nay, phong trào tuyến đường kiểu mẫu gắn cảnh quan môi trường được tất cả người dân trong huyện Tháp Mười hưởng ứng, thực hiện. Nó không còn là mô hình mà là việc làm mỗi ngày, người dân làm không phải do chính quyền địa phương nhắc nhở hay để được biểu dương khen thưởng mà đơn giản là để làm đẹp cho chính ngôi nhà của mình, địa phương mình, để khi người dân ở các địa phương khác đến, mỗi người dân Tháp Mười có thể tự hào khoe về quê hương NTM Tháp Mười.

Thông qua đó, giúp Tháp Mười có 03 tuyến đường đạt giải trong cuộc thi tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu do UBND Tỉnh phát động.

4. Mô hình dòng sông không rác

Không chỉ sạch, đẹp trên đường, dòng sông cũng phải thông thoáng. Vì vậy, các xã đang thực hiện mô hình dòng sông không rác. Để nâng cao ý thức người dân, các tổ chức chính trị xã hội vận động người dân vệ sinh môi trường, phát quang cây xanh, thu gom rác thải, bơi xuồng vớt rác trên tuyến kênh và vận động người dân sống dọc 2 bên tuyến kênh giữ gìn, không vứt rác xuống kênh, giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông xanh - sạch - đẹp. Đây là tiêu chí trong xã nông thôn mới nâng cao.

Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường nên công tác bảo vệ môi trường của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp và nhân dân đã được nâng lên đáng kể; cảnh quan môi trường được quan tâm, mức độ tăng ô nhiễm, suy thoái và các hành vi vi phạm đã từng bước được hạn chế, rác thải y tế đều được thu gom và xử lý đúng quy định. Rác thải nguy hại phát sinh của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện được thu gom, xử lý đạt 100% và còn thể hiện rõ nét trong mỗi hành động cụ thể như: vệ sinh nhà cửa, sử dụng nước sạch, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn huyện đạt 62,9%. Đối với khu vực chưa tổ chức thu gom địa phương hướng dẫn hộ dân tự xử lý tại hộ gia đình; 100% số xã đạt chỉ tiêu đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh, sạch, đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường.

Ngoài ra, người dân Tháp Mười đã thay đổi thói quen sử dụng phân bón hóa học sang sử dụng phân hữu cơ, giảm số lần phun xịt thuốc và không đốt rơm để giảm tác động đến môi trường, áp dụng khoa học kỹ thuật, tự động hoá trên đồng ruộng, từng bước sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp xanh. Đến Tháp Mười hôm nay, hàng rào thẳng tắp, hoa khoe sắc, từ sân nhà, hàng rào đến đồng ruộng đều rợp sắc hoa. Chính quyền và người dân Tháp Mười đang từng bước xây dựng Tháp Mười thành nơi đáng sống.

Bt +Hình: Thúy Ly