Xuất bản thông tin

null Tháp Mười – Hội thảo sơ kết mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười – Hội thảo sơ kết mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh

Ngày 20.9.2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo sơ kết mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở huyện Tháp Mười. Đến dự có Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT; đại diện các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Đề án; PCT UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, các Sở, ngành tỉnh; Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tháp Mười, Phòng NN&PTNT và HTX một số địa phương trong tỉnh.

Mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được thực hiện với diện tích trên 43ha của 20 hộ dân, ở Ấp 4 xã Láng Biển thuộc HTX DV NN Thắng Lợi, trong đó, có 18,6ha áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân và 24,5ha áp dụng máy sạ cụm kết hợp vùi phân, giống OM18 cấp xác nhận, sự dụng nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ, lượng giống gieo sạ 80kg/ha. Cánh đồng thực hiện mô hình đã được lắp đặt 03 cảm biến mực nước, quản lý nước “ướt khô xen kẻ”, đã rút nước thành công 03 lần, đã giảm 05 lần phun xịt thuốc, theo ước tính, chi phí sản xuất giảm khoảng 30% so với ruộng đối chứng, chi phí trong mô hình thấp hơn ruộng đối chứng 1.605.000 đồng/ha, giảm 399 đồng/kg giá thành sản xuất. Đặc biệt là giảm được 4,92 tấn CO2tđ/ha, nông dân có thêm nguồn thu nhập từ bán rơm và đã liên kết đầu ra với doanh nghiệp.

Trong hội thảo, đại biểu được nghe báo cáo từ các cơ quan như: viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, viện Môi trường nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và các doanh nghiệp tham gia Đề án; trao đổi, chia sẽ, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến quá trình triển khai và kết quả bước đầu thực hiện.

Phát biểu trong hội thảo, Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, Đề án hướng đến 04 tiêu chí là bền vững, chất lượng cao, phát thải thấp và tăng trưởng xanh. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và theo dõi, đánh giá cụ thể từng nội dung để đảm bảo 04 tiêu chí của Đề án. Đây cũng là cơ hội để thay đổi cục diện sản xuất và chất lượng lúa gạo của tỉnh Đồng Tháp.

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, vụ Đông Xuân 2024- 2025 Đồng Tháp dự kiến mở rộng diện tích mô hình lên 150ha và nhân rộng thêm 11 mô hình ở 08 huyện trong tỉnh, để đạt mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cũng yêu cầu các ngành chuyên môn và địa phương có những buổi nói chuyện chuyên đề với các HTX, người nông dân về mục tiêu của Đề án như giảm giá thành, tăng chất lượng hạt gạo, giảm ô nhiễm môi trường và tăng sức cạnh tranh, từ đó thay đổi nhận thức của người nông dân; Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cũng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với Đồng Tháp, tham gia chuỗi liên kết sâu từ đầu vào, đầu ra trong quá trình thực hiện Đề án.

Bt: Thúy Ly