Sisältöjulkaisija

null Hiệu quả bước đầu mô hình “hòa giải tại nơi xảy ra tranh chấp”

Chi tiết bài viết Tin tức

Hiệu quả bước đầu mô hình “hòa giải tại nơi xảy ra tranh chấp”

Nhằm hướng đến nền hành chính hiện đại, nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, giảm chi phí và thời gian đi lại của người dân. Năm 2024, UBND thị trấn Mỹ An thực hiện mô hình “hòa giải tại nơi xảy ra tranh chấp”. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Tham gia buổi hòa giải của Hội đồng hòa giải UBND thị trấn Mỹ An về tranh chấp đất đai, điểm khác biệt mà chúng tôi nhận thấy là địa điểm hòa giải không phải ở phòng tiếp dân của Uỷ ban mà ở tại nơi có đất đang tranh chấp. Tất cả các thành viên của Hội đồng hòa giải và 02 bên nguyên đơn và bị đơn đều có mặt ở trên diện tích đất đang tranh chấp để tiến hành hòa giải. Việc tổ chức hòa giải tại nơi xảy ra tranh chấp giúp người dân giảm chi phí, thời gian, hạn chế được trình trạng 01 trong 02 bên không tham gia hòa giải phải tổ chức nhiều lần. Là nguyên đơn của vụ tranh chấp đất đai, bà Nguyễn Thị Nguyên cho rằng, hộ liền kề xây hàng rào tường nghiên qua phần đất của mình nên muốn yêu cầu đập bỏ phần hàng rào nghiên qua phần đất của mình, Hội đồng hòa giải của UBND thị trấn đã đến tận nơi để xem xét hiện trạng và tiến hành hòa giải. Bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyên cho biết, người dân như Bà rất phấn khởi khi được Hội đồng hòa giải đến tận nơi xảy ra tranh chấp như thế này, vì theo Bà, nếu không đến tận nơi, chỉ nghe các bên trình bày theo quan điểm của mình thì vấn đề không được khách quan.

Ngoài giúp người dân giảm chi phí, thời gian, việc đến tận nơi có đất tranh chấp để hòa giải giúp các thành viên Hội đồng hòa giải nắm được thực tế, sâu sát tình hình tranh chấp, ý kiến của các hộ có đất giáp ranh cũng như tâm tư nguyện vọng của các bên tranh chấp để có hướng hòa giải tốt nhất. Là hộ dân có đất liền kề với các hộ đang tranh chấp và chứng kiến buổi hòa giải, ông Võ Thanh Tài rất đồng tình với cách làm này, vì khi Hội đồng hòa giải đến tận nơi sẽ giảm áp lực cho người dân, giảm chi phí, thời gian và tìm hiểu được rõ sự việc, nguyên nhân dẫn đến xảy ra tranh chấp giúp tìm ra hướng hòa giải thích hợp.

Trước đây, khi có đơn thư của người dân gởi đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, sau khi được tiếp xúc, người dân được mời đến phòng tiếp dân hòa giải lần 01, lần 02. Quá trình này người dân cần phải đến Ủy ban từ 03 đến 04 lần. Tuy nhiên, hạn chế khi hòa giải theo hình thức này là chưa sát với thực tế nơi xảy ra tranh chấp, nhiều lần bị đơn không đến gây mất thời gian, chi phí của người dân và tỷ lệ hòa giải thành không cao. Vì vậy, mô hình “hòa giải tại nơi xảy ra tranh chấp”, thay vì mời người dân đến phòng tiếp dân để hòa giải, Hội đồng hòa giải sẽ tiến hành hòa giải tại nơi xảy ra tranh chấp giữa 02 bên. Ngoài ra, khi cần thiết, Hội đồng hòa giải sẽ đề nghị sự hỗ trợ từ các ngành chuyên môn của huyện với quyết tâm phải tháo gỡ hết vướng mắc của 02 bên để đi đến sự thống nhất chung.

Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp có tỷ lệ hòa giải thành thấp, tuy nhiên, theo báo cáo của UBND thị trấn Mỹ An, 06 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hòa giải thành ở lĩnh vực tranh chấp đất đai là 50%, tăng trên 33% so với cùng kỳ năm 2023. Ông Ngô Duy Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ An cho biết, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện mô hình để tăng tỷ lệ hòa giải thành ở lĩnh vực đất đai.

Bt: Thúy Ly