Sisältöjulkaisija

null Những tín hiệu vui từ mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải

Chi tiết bài viết Tin tức

Những tín hiệu vui từ mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải

Là một trong những HTX thực hiện mô hình điểm của Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, hiện tại, diện tích lúa gần đến thu hoạch, nông dân HTX DV NN Thắng Lợi rất phấn khởi vì hiệu quả mang lại.

Trao đổi với chúng tôi về phương thức canh tác theo mô hình thí điểm lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nông dân Trương Văn Toàn cho biết: phương thức canh tác này hoàn toàn khác với cách canh tác mà Ông và nông dân đã làm trước đây, không đốt rơm rạ, lượng giống gieo sạ chỉ từ 60 – 80 ký/ha, giảm gần phân nữa so với trước, quản lý nước ngập khô xen kẻ, ghi chép nhật ký sản xuất bằng điện thoại thông minh, trồng hoa trên bờ ruộng để nuôi thiên địch, nhờ giảm giống nên giảm được lượng phân bón, ít sâu bệnh nên số lần phun xịt thuốc cũng giảm, lúc đầu khi giảm giống, giảm phân bón, Ông cũng lo ngại về năng suất, nhưng hiện tại gần đến ngày thu hoạch, lúa nặng hạt, bông đều, ước tính năng suất có thể cao hơn ở các ruộng sản xuất theo truyền thống.

Khi sản xuất theo mô hình, từ hiệu quả thực tế, nông dân đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, không chỉ quan tâm đến năng suất mà đã bắt đầu chú ý đến việc giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận nên mặc dù chưa thu hoạch nhưng nông dân chắc chắn rằng lợi nhuận sẽ cao hơn ruộng đối chứng. Ngoài ra, nông dân cũng bắt đầu quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và người tiêu dùng, ông Võ Thanh Hải, Ấp, 4 xã Láng Biển chia sẻ: canh tác theo phương thức mới này rất khác so với trước, sạ thưa, bón vùi, giúp giảm được chi phí, giải phóng công lao động cho người nông dân, vì vậy cho dù năng suất, giá bán bằng với ruộng ngoài mô hình thì nông dân trong mô hình vẫn có lợi nhuận cao hơn.

Theo ước tính, chi phí sản xuất của mô hình giảm khoảng 30% so với ruộng đối chứng và sản xuất truyền thống, nông dân cũng có thêm thu nhập nhờ bán rơm sau thu hoạch, ngoài ra, sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng hạt gạo đáp ứng nhu cầu chất lượng xuất khẩu nên diện tích trong mô hình đã được Doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với giá cao hơn thị trường 100 đồng/ký. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX DVNN Thắng Lợi cho biết, ngành chuyên môn đã theo dõi, hướng dẫn quy trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, còn Ban Quản trị HTX thì thường xuyên nhắc nhở nông dân phải thực hiện theo đúng hướng dẫn để đảm bảo chất lượng hạt gạo, ghi chép nhật lý sản xuất đầy đủ. Theo Ông Hùng, lúc đầu bà con cũng lo ngại nhưng đến nay gần thu hoạch thì thực tế cho thấy đã đạt được hiệu quả cao nên bà con cũng đề nghị được tham gia.

Sản xuất theo mô hình điểm của Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, bước đầu đã thay đổi được thói quen sản xuất của nông dân, hình thành cơ chế liên kết đầu vào, đầu ra. Điều phấn khởi nhất là nông dân đã thấy được hiệu quả và tự nguyện xin tham gia vào Đề án 1 triệu ha, có thể hy vọng rằng, sau mô hình, nông dân sẽ tiếp tục duy trì phương thức sản xuất này để mang lại lợi nhuận tối đa và đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Bt: Thúy Ly