Publicador de continguts

null Nông dân Tháp Mười thay đổi tư duy sản xuất sau 03 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Chi tiết bài viết Tin tức

Nông dân Tháp Mười thay đổi tư duy sản xuất sau 03 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn huyện Tháp Mười đã có những chuyển biến rõ nét, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tăng khá và bền vững. Riêng cuối năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp và thủy sản ước tăng trên 3,5%, góp phần thực hiện đạt và vượt 23/25 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng Nhân dân huyện về phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngoài đảm bảo triển khai các chính sách theo quy định, Tháp Mười đã chọn 06 ngành hàng gồm lúa gạo, sen, mít, ếch, cá sặc rằn và vịt; tập trung vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch liên kết “bốn nhà” để nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm lợi ích cho người nông dân. Sau 03 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, người dân đã thay đổi suy nghĩ trong sản xuất, từ sản xuất riêng lẻ sang liên kết, hợp tác để giảm giá thành và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, từ đó, người dân đã thay việc sản xuất những gì mình đang có thành sản xuất theo nhu cầu của thị trường, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn huyện đã có trên 3.400ha được chuyển đổi, chủ yếu là mít, sầu riêng, bưởi... Theo ông Nguyễn Văn Điền, xã Đốc Binh Kiều, từ khi được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn tuyên truyền, vận động, người dân ở đây đã bắt đầu tiếp cận với những suy nghĩ mới, đã đổi từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, vì vậy đã mạnh dạn chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả và vườn tạp sang trồng cây chuyên canh có giá trị kinh tế, khi chuyển đổi sản xuất, để nắm vững kỹ thuật, nông dân bắt đầu tham gia THT và HTX để được hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch để nâng cao giá trị nông sản.

Không chỉ thay đổi phương thức, cách thức trong sản xuất, nông dân Tháp Mười hiện nay đã biết phát huy điều kiện sẳn có, tạo ra nhiều sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa, đến nay, huyện đã có 38 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao; 100% sản phẩm OCOP tham gia sàn Thương mại điện tử; việc xây dựng mã vùng trồng cũng được nông dân quan tâm thực hiện, bởi, khi xây dựng được mã vùng trồng, nông dân vừa giảm được chi phí sản xuất, công lao động, quan trọng hơn hết là có thể chủ động liên kết đầu ra và thương lượng giá sản phẩm nông sản với đơn vị thu mua, theo thống kê, huyện đã có 119 vùng trồng với diện tích trên 19.500 ha, được gắn với 189 mã số. Trao đổi với chúng tôi, nông dân Nguyễn Văn Dõng ở xã Trường Xuân cho biết, khi được chính quyền địa phương vận động thực hiện mã vùng trồng, Ông cũng như nhiều nông dân ở đây còn chần chừ, vì ngại phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, rồi phải sản xuất theo quy trình, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuy nhiên, khi được tham quan ở nhiều cánh đồng được cấp mã số vùng trồng ở các địa phương khác, thấy được hiệu quả thực tế, Ông đã cùng với các nông dân trong THT của mình xây dựng vùng nguyên liệu và đã được cấp mã vùng trồng, hiện tại, nông dân ở mã vùng trồng này đã liên kết đầu ra bền vững với doanh nghiệp.

Không chỉ ở ngành hàng lúa gạo, đối với các ngành hàng khác cũng đang từng bước chuyển đổi, như ngành hàng sen, ngoài trồng sen lấy gương, nông dân đã chuyển sang trồng sen lấy ngó, bước đầu cho thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cho năng suất tương đối cao và đang được mở rộng diện tích. Ngoài ra, để khắc phục khó khăn trong việc sâu bệnh trên cây sen, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp với huyện Tháp Mười xây dựng và hoàn thiện mô hình điểm quy mô 100 ha chuyển đổi sản xuất hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm. Qua mô hình, nông dân trồng sen đã có nhiều thay đổi trong phương thức trồng cũng như xác định thị trường cần hướng đến, nông dân Nguyễn Thiện Ý, xã Hưng Thạnh, chia sẻ, nông dân Tháp Mười rất tâm quyết với cây sen, để cây sen phát triển và vươn xa, nông dân nên trồng sen hữu cơ để có sản phẩm an toàn, về lâu dài có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu, Tháp Mười luôn quan tâm đến kinh tế tập thể, đến cuối năm 2023, huyện đã thành lập được 22 HTX, với 2.654 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho 260 lao động với mức thu nhập 45 triệu đồng/người/năm; có 130 tổ hợp tác với 3.205 thành viên; 15 hội quán với 649 thành viên và 12 Tổ Khuyến nông cộng đồng. Thông qua các mô hình kinh tế hợp tác, phương thức sản xuất, suy nghĩ của người dân đã thay đổi tích cực, phù hợp với xu hướng sản xuất hiện nay. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện Đề án  Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng còn một số hạn chế, một số ngành hàng chưa phát triển đạt chỉ tiêu đề ra. Để khắc phục những hạn chế này cũng như triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới, theo ông Bùi Văn Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tháp Mười, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tăng cường thực hiện Đề án; tăng cường mời gọi các đơn vị liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân mang tính chất bền vững; thực hiện tốt công tác chuyển đổi số; kêu gọi các đơn vị tham gia chế biến sâu các sản phẩm nông sản của địa phương; sản xuất sạch đảm, bảo môi trường và hướng đến nền nông nghiệp xanh.

Được biết, từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Đề án TCC ngành Nông nghiệp, giúp người dân Tháp Mười tăng thu nhập, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 1,09%, tỷ lệ  hộ cận nghèo là 1,67%.

Bt: Thúy Ly