アセットパブリッシャー

null Tháp Mười – Tìm giải pháp cho ngành hàng Sen

Trang chủ Tin tức

Tháp Mười – Tìm giải pháp cho ngành hàng Sen

Là một trong 06 ngành hàng tái cơ cấu của huyện, tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích sen trong huyện Tháp Mười giảm do nhiều nguyên nhân. Để tăng diện tích trồng sen trở lại, cũng như nâng cao giá trị cây sen, Tháp Mười đang thực hiện nhiều giải pháp và bước đầu đã có những tín hiệu quả quan.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, hiện tại toàn huyện còn khoảng 200ha sen, giảm rất nhiều so với các năm trước, nguyên nhân diện tích sen giảm do sâu bệnh làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm, ngoài ra, nông dân trồng sen mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không tập trung, chất lượng không đồng đều nên đầu ra không ổn định. Để tăng diện tích trồng sen, huyện Tháp Mười đã quy hoạch vùng trồng sen tập trung, thực hiện các mô hình như mô hình trồng sen lấy củ liên kết tiêu thụ, trồng xen canh sen – lúa, mô hình sản xuất sen gắn với tiêu thụ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Thông qua các mô hình, ngoài giúp người trồng sen tìm giải pháp cho cây sen, đã từng bước giúp nông dân thay đổi suy nghĩ, thói quen trong sản xuất. Là người nông dân có tâm quyết với cây sen quê hương nhưng do tình trạng sâu bệnh nên phải tạm thời ngưng trồng sen chuyển sang trồng lúa nhưng khi được ngành chuyên môn huyện khuyến cáo nên trồng xen canh sen – lúa, ông Lê Quốc Thái ở xã Thạnh Lợi đã thực hiện và bước đầu mang lại kết quả khả quan, khi trồng xen canh chi phí sẽ giảm vì khi luân canh bộ rễ của sen sẽ phân hủy, giúp giảm được các loại bệnh.

Cũng có nhiều tình cảm với cây sen quê hương nhưng nông dân Nguyễn Thiện Ý ở xã Thạnh Lợi vẫn còn nhiều bâng khuâng nên chưa chuyển đổi diện tích trồng lúa của gia đình sang trồng sen do nhiều nguyên nhân như dịch bệnh trên cây sen, năng suất chưa cao, đầu ra không ổn định. Nhưng sau khi thấy được sự vào cuộc của chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện, xã và cũng thông qua sự tuyên truyền của ngành chuyên môn, Ông đã quyết định sẽ chuyển diện tích lúa của gia đình sang trồng sen ở vụ tới với suy nghĩ hoàn toàn mới là trồng sen hữu cơ vì xu hướng thị trường hiện nay nhu cầu sản phẩm nông sản hữu cơ, an toàn và phải xây dựng được mã vùng trồng để xuất khẩu để tăng giá trị cây sen, tăng thu nhập cho người nông dân, được như vậy thì người nông dân sẽ gắn kết lâu dài với cây sen.

Huyện cũng khuyến khích khởi nghiệp sản phẩm từ sen, hiện tại, Tháp Mười có 22 sản phẩm OCOP từ sen, ngoài ra, Tháp Mười đang được thực hiện “Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP từ sen”. Dự án nhằm phát triển các sản phẩm từ sen, điểm du lịch về sen trở thành sản phẩm đặc trưng tham gia chương trình OCOP; hỗ trợ các sản phẩm từ sen trở thành ngành hàng chủ lực được tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc. Huyện cũng kêu gọi các công ty doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm từ sen như ngoài làm thực phẩm, nghiên cứu sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm để nâng cao giá trị cây sen. Mới đây, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt, đơn vị liên kết tiêu thụ sen với nông dân huyện Tháp Mười đã xuất khẩu chính ngạch 15 tấn củ sen nguyên liệu cấp đông sang thị trường Nhật Bản. Dự kiến, trong năm 2024, Công ty sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 8 container với tổng giá trị khoảng 7 tỷ đồng. Đây là tín hiệu vui cho ngành hàng sen huyện Tháp Mười. Nói về định hướng và các giải pháp trong thời gian tới, Ông Đoàn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện sẽ tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm từ sen để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước; xây dựng mối liên kết với các công ty doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đặt mục tiêu ít nhất 10% tổng diện tích xuống giống hàng năm có liên kiết; quảng bá, tiếp thị sản phẩm sen Tháp Mười để nâng cao giá trị thương hiệu thu hút khách hành và mở rộng thị trường tiêu thụ; đăng ký ít nhất 1 mã vùng trồng sen tại vùng quy hoạch và có sản phẩm OCOP sen đạt 5 sao; tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn trồng sen giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các hộ trồng sen.

Mong rằng, với nhiều giải pháp đồng bộ, Tháp Mười sẽ nâng cao được giá trị cây sen, thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành hàng sen, góp phần đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Bt: Thúy Ly, Hình: Hoàng Kha