アセットパブリッシャー

null Hiệu quả mô hình điểm tăng gia sản xuất tại huyện Tháp Mười

Chi tiết bài viết Tin tức

Hiệu quả mô hình điểm tăng gia sản xuất tại huyện Tháp Mười

Năm 2024 Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tháp Mười được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chọn làm điểm thực hiện mô hình tăng gia sản xuất theo Đề án QN-21 của Tổng Cục hậu cần “Về nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, chế biến trong Quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021- 2025 và đến năm 2030”.  Qua thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đơn vị cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân tự vệ và tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Để triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tháp Mười đã tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, đồng thời tham mưu Huyện ủy, UBND huyện cho chủ trương quy hoạch xây dựng mô hình tăng gia sản xuất tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện theo hướng lâu dài, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Trong năm 2024, BCHQS huyện Tháp Mười đã đầu tư 197 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của địa phương và quỹ vốn của đơn vị để nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tăng gia sản xuất tập trung của đơn vị với các hạng mục như làm nhà lưới trồng rau sạch, đầu tư chăn nuôi tập trung kiên cố, khép kín, cải tạo ao nuôi cá kết hợp mùng nuôi ếch.

Ngoài ra, BCHQS huyện còn tận dụng các khu đất quanh bếp để trồng rau xanh, cây ăn trái như Mít, Dừa, Chuối theo hướng tận dụng tối đa diện tích đất để nuôi, trồng bảo đảm nhu cầu thực phẩm cho đơn vị. Khu tăng gia của BCHQS huyện Tháp Mười có tổng diện tích hơn 34.000 mét vuông. Dựa vào điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đơn vị lựa chọn cây giống, con giống sao cho phù hợp, đồng thời tiến hành cải tạo hạ tầng khu tăng gia theo từng khu vực riêng biệt để dễ quản lý, chăm sóc. Với mô hình tăng gia sản xuất khép kín vườn - ao- chuồng, trồng theo hướng đa tầng và áp dụng kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế phẩm làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón chăm sóc cho cây, ứng dụng kho học kỹ thuật, đơn vị tiết kiệm chi phí cho việc tăng gia sản xuất. Trong đó khu trồng cây ăn trái có diện tích 31.000 mét vuông, đơn vị tận dụng trồng mít, chuối, dừa, tre tứ quý lấy măng còn lại 3.272 mét vuông là khu nhà lưới trồng rau sạch, khu vực chuồng trại nuôi 25 con heo, 150 con gà, vịt. Diện tích mặt nước hơn 2.000 mét vuông nuôi các loại cá rô phi, cá trê, cá tra kết hợp làm mùng nuôi trên 2.000 con ếch.

Hằng ngày sau giờ làm việc, cán bộ, chiến sĩ BCHQS huyện Tháp Mười các anh mỗi người một việc, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, vườn rau sạch để khu tăng gia phát triển tốt, đảm bảo cung ứng nguồn rau sạch cho bữa ăn hàng ngày của cán bộ chiến sĩ thêm phong phú, đa dạng hơn.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng gia sản xuất tại đơn vị, trong năm 2024 BCHQS huyện Tháp Mười thu hoạch trên 4.000 kg rau, củ các loại; hơn 3.000 kg thịt, cá và 5.000 kg trái cây các loại, lợi nhuận trên 120 triệu đồng/năm, bình quân 37 triệu đồng/người/năm. Kết quả tăng gia sản xuất đạt hiệu quả cao đã góp phần thực hiện đúng mục tiêu của Đề án QN -21 là triển khai nhân rộng mô hình điểm trong toàn quân, phù hợp với quy mô từng loại hình đơn vị gắn với tiềm năng lợi thế vùng miền. Thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng gia sản xuất, chế biến đồng bộ, an toàn bền vững

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, BCHQS huyện Tháp Mười tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tăng gia sản xuất, đồng thời tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện hỗ trợ kinh phí để duy trì, mở rộng khu trồng cây ăn quả, nhà lưới trồng rau sạch, áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch dưa lưới trồng trong nhà kính, phát triển thêm diện tích trồng tre tứ quý, chăn nuôi gia súc, gia cầm và đẩy mạnh việc nuôi cá đạt hiệu quả cao, mang tính bền vững, lâu dài của đơn vị./.

BT: Nguyễn Thu