Xuất bản thông tin

null Tháp Mười – Phát triển văn hóa đọc trong học sinh

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười – Phát triển văn hóa đọc trong học sinh

Bên cạnh các hoạt động hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc, ngành giáo dục huyện Tháp Mười tổ chức và duy trì nhiều hoạt động để khuyến khích, phát triển văn hóa đọc trong học sinh.

Đến thư viện sách của Trường Tiểu học Mỹ Hòa 1 trong giờ giải lao sẽ thấy được không khí rất nhộn nhịp, các em học sinh cùng nhau lên thư viện, chọn những cuốn sách hay và ngồi đọc, trao đổi thông tin tại thư viện đã là một hoạt động không thể thiếu trong mỗi giờ ra chơi của học sinh và trở thành nét đẹp riêng của ngôi trường này. Có được điều này nhờ sự nhắc nhở, định hướng của thầy cô và sự bày trí sinh động của thư viện để kích thích tính tò mò của các em. Em Lê Thị Nguyên Trang  cho biết, em cũng có lên mạng để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức ở các lĩnh vực, khi được các thầy cô nhắc nhở, khuyến khích nên đọc sách nên em cũng bắt đầu đọc sách, giờ thì em đã hạn chế sử dụng điện thoại và thích đọc sách hơn.

Cũng như các bạn, ở nhà ngoài giờ học bài, em Phan Bùi Ngọc Ngà cũng chơi game, xem mạng xã hội như tiktok.... nhưng khi được các thầy cô tổ chức nhiều trò chơi như đọc, kể chuyện về sách, cảm nhận về quyển sách em đã đọc,  em bắt đầu lên thư viện đọc sách và ngày càng thích đến thư viện đọc sách hơn.

Để duy trì phong trào đọc sách, các trường bổ sung thêm các đầu sách phù hợp với từng lứa tuổi, trang thiết bị, kệ sách, không gian thư viện bắt mắt và sắp xếp khoa học tạo ra môi trường đọc sách thoải mái để thu hút học sinh đọc sách. Mới đây, thư viện sách cộng đồng xã Đốc Binh Kiều được khánh thành với kinh phí gần 1 tỷ 300 triệu đồng, trong đó, Trung tướng Võ Thái Hòa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an vận động hỗ trợ 500 triệu đồng. Thư viện nằm trong khuôn viên trường THCS Đốc Binh Kiều, có 1.500 bản sách, 500 đầu sách, 4 đầu báo, tạp chí thuộc nhiều thể loại từ văn học, kỹ năng sống đến tủ sách pháp luật, nông nghiệp nhằm phục vụ đa dạng đối tượng bạn đọc. Có được thư viện, các em học sinh trong trường là phấn khởi nhất, vì các em có điều kiện để đọc sách, tìm các kiến thức để phục vụ cho bài học của mình.

Để khuyến khích, khơi gợi sự ham thích đọc sách của học sinh, các trường tổ chức nhiều hoạt động như thi vẽ tranh chủ đề về sách, viết, vẽ cảm nhận về cuốn sách đã được đọc, đọc và trả lời câu hỏi về sách, dạy tiết đọc thư viện, thi cảm nhận sách và cuộc sống... Qua đó truyền cảm hứng cho học sinh đam mê với sách. Ông Ngô Thanh Sang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tháp Mười, cho biết, không chỉ tham gia hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc, ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa đọc trong trường học, ngoài các hoạt động đã tổ chức, tùy theo điều kiện từng trường sẽ tổ chức thi hóa trang, tiểu phẩm. Đối với việc phát triển các đầu sách, Phòng cũng đã chỉ đạo các trường, hàng năm sử dụng ngân sách hoạt động thường xuyên để mua sắm trang bị để bồ sung các đầu sách cho phong phú hơn cho các em tới đọc, ngoài ra có thể sử dụng nguồn xã hội hóa khác để trang bị thêm các đầu sách.

Việc phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với học sinh, giúp hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử có hại cho sức khỏe và mạng xã hội thiếu kiểm soát ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý. Tuy nhiên, ngoài sự quan tâm đầu tư của các trường học, rất cần có sự chung tay đóng góp của cộng đồng và phụ huynh học sinh, đưa các thư viện, câu lạc bộ sách vào hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều học sinh đến đọc sách, phát huy hiệu quả công tác dạy và học trong các nhà trường.

Bt: Thúy Ly